Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”:
Ði vào thực tiễn, huy động sức mạnh toàn dân
Giai đoạn 2016 - 2020, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào thực tiễn, tạo nên sức mạnh tổng hợp để các địa phương phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng an ninh.
Vận động làm giàu, hỗ trợ thoát nghèo
Bằng nhiều hình thức khác nhau, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, nhất là ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở khu dân cư đã thực hiện tốt công tác tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, sáng tạo trong lao động, kỹ thuật, đã nâng cao thu nhập hằng năm từ 200 triệu đồng trở lên và không ít hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.
Như hộ ông Nguyễn Đức Mười (thôn Tường An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) sản xuất bún, bánh ướt, bánh hỏi và các loại bánh tươi khác, có tổng thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Với mô hình trồng cây bí đỏ, bắp lai và một số cây trồng khác, hộ bà Đinh Thị A Ngát (làng 2, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Hộ bà Đinh Thị Co (thôn 1, xã An Hưng, huyện An Lão) phát triển chăn nuôi heo, bò, trồng 6 ha keo lai và sản xuất ché rượu cần truyền thống, lợi nhuận 160 - 210 triệu đồng/năm... Nhiều nông dân được tuyên dương cấp toàn quốc như ông Đỗ Đình Hòa (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) vươn lên làm giàu bằng sản xuất nấm sò, tạo việc làm cho nhiều lao động, được bình chọn là 1 trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến tiêu biểu toàn quốc năm 2016; ông Phan Thanh Tỉnh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) được tôn vinh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.
Ban Công tác Mặt trận KV 2, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) thăm bà Nguyễn Thị Khá.
Hơn 3 năm qua (2017 - 2020), đã có hơn 1.170 hộ nghèo, 795 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được các tổ chức, đơn vị, DN, cá nhân nhận giúp đỡ, hỗ trợ; qua đó, đã giúp hơn 350 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, gần 400 hộ chính sách thoát được hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2016 đến tháng 9.2020, quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã vận động thu trên 45,2 tỷ đồng, quỹ Cứu trợ vận động thu trên 107 tỷ đồng. Qua đó, đã hỗ trợ xây dựng mới 1.017 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 182 nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền hơn 28,4 tỷ đồng. Đồng thời, giúp hàng trăm hộ nghèo vốn, vật nuôi, cây trồng phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... trị giá hơn 9,7 tỷ đồng.
Vượt qua cơn bão số 9 trong ngôi nhà Đại đoàn kết vừa được nghiệm thu, bàn giao 1 tuần trước, ông Phạm Văn Thọ (ở khu phố Định Tân, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) thở phào. Ông cho biết: “Gia đình tôi rất biết ơn quỹ Vì người nghèo tỉnh và huyện đã hỗ trợ 40 triệu đồng để gia đình xây lại nhà. Những ngày mưa gió, bão bùng vừa qua luôn nhắc tôi về điều đó”.
Bà Nguyễn Thị Khá, 78 tuổi, ở tổ 8, KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn vừa thoát nghèo vào cuối năm 2019. Ông Phan Văn Sơn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận KV 2, phường Ghềnh Ráng, cho biết: “Tuy hộ bà Khá đã thoát nghèo nhưng địa phương cam kết thường xuyên động viên những lúc đau ốm, ưu tiên các suất hỗ trợ cho gia đình bởi bà Khá thuộc diện hộ neo đơn”.
Mới hơn, văn minh hơn
Phát huy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho cuộc vận động, phong trào được triển khai thuận lợi. Toàn tỉnh có 121 xã triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay có 87/121 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 78 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,4%; có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tuy Phước đang hoàn tất hồ sơ lấy ý kiến các ngành, các cấp, trình Trung ương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Tuyến đường hoa thôn Chánh Danh, xã Cát Tài (huyện Phù Cát) tạo diện mạo tươi mới cho nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.
Góp sức mình xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp trên 157 tỷ đồng, hiến hơn 370 nghìn m2 đất, hàng chục nghìn cây lâu năm và trên 25.000 ngày công tu bổ, sửa chữa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Nhân dân trở thành nhân tố quyết định làm nên sức lan tỏa của các mô hình mới, góp phần thúc đẩy thôn xóm, khu phố nơi mình ở mới hơn, văn minh hơn. Tiêu biểu như các mô hình: Khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh; vận động hộ dân thu gom rác thải; Vạn Cửu Lợi thực hiện khai thác, đánh bắt hải sản không xâm phạm vùng biển nước ngoài (TX Hoài Nhơn); làng văn hóa, không có tệ nạn tự tử, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh); tự quản về vệ sinh môi trường (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh); tổ nhân dân tự quản “Thắp sáng đường quê”; 2 vận động, 2 tố giác (huyện An Lão); xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp theo mô hình nông thôn mới kiểu mẫu (TX An Nhơn); khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (tại 4 xã Cát Khánh, Cát Minh, Cát Thành, Cát Nhơn, huyện Phù Cát)...
Nhờ đó, nông thôn, khu dân cư nhiều nơi trong tỉnh đã thay đổi diện mạo, xanh hơn, sạch hơn, ý thức tập thể cao hơn. Việc triển khai các mô hình tự quản ở khu dân cư đã nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó và có trách nhiệm với cuộc sống hằng ngày của từng hộ dân ngay tại khu dân cư. Qua đó, từng bước góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng an ninh của địa phương và của tỉnh.
NGUYỄN MUỘI