PGS.TS Hồ Xuân Quang (Trường ÐH Quy Nhơn):
Phát triển nguồn nhân lực, tạo đột phá cho phát triển
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Xây dựng và phát huy nguồn nhân lực ổn định, chất lượng là tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Trong 2 nhiệm kỳ trở lại đây, bên cạnh việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và của đảng bộ các địa phương đều đề cập đến các trụ cột phát triển và các khâu đột phá chiến lược.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Với dự thảo Báo cáo lần này, một trong 3 khâu đột phá được xác định rõ là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt, tập trung nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng GD&ĐT, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Theo tôi, để thực hiện tốt khâu đột phá về nhân lực trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất thiết phải nhận thức đầy đủ yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn hiện nay cũng như dự báo tương lai.
Trước hết, xét về lý thuyết phát triển, các khái niệm “định hướng”, “trụ cột” được hiểu là những nền tảng lâu dài, bền vững cho sự phát triển. Còn “đột phá” là những khâu then chốt cần tập trung trong giai đoạn trước mắt để tạo ra bứt phá trong quá trình phát triển. Do đó, xác định khâu đột phá “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” cần được đặt trong tổng thể với những định hướng phát triển của đất nước trong 5 năm của nhiệm kỳ tới và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2045.
Trong đó, đáng chú ý là phải gắn với định hướng “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”. Qua đó, vừa hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Thứ hai, khâu đột phá về nhân lực phải gắn kết hữu cơ với hai khâu đột phá còn lại (thể chế và hệ thống kết cấu hạ tầng). Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ có thể được thực hiện trong điều kiện xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GD&ĐT cùng với KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Đồng bộ cả về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GD&ĐT theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển KT-XH, KH&CN, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính sách phát triển GD&ĐT Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo.
- Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn trong giờ thực hành.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tôn trọng các quy luật của thị trường, coi người học là trung tâm, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Đồng thời phải phát huy vai trò của Nhà nước nhằm bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng XHCN của nền giáo dục.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục tăng đầu tư cho GD&ĐT, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT đúng hướng, hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực GD&ĐT; nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ thể chế về tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, cần xác định rõ hơn, đầy đủ hơn nội hàm “nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” để hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện với phương châm “thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp”. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận, đồng bộ với các chuẩn mực quốc tế về giáo dục, trước hết là giáo dục đại học.
Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu và tham gia thị trường nhân lực quốc tế.
NGUYỄN VĂN TRANG (Ghi)