Thực hiện Nghị định 67: Cần giải pháp gỡ khó cho ngư dân
Việc thực hiện chính sách Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại Bình Ðịnh đã góp phần phát triển nghề biển của tỉnh. Song, vẫn còn nhiều vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ cho ngư dân.
Tàu cá vỏ thép của anh Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chuẩn bị ra khơi.
Toàn tỉnh có 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ (còn gọi là “tàu 67”). Đến nay, còn 54 tàu hoạt động sản xuất (4 tàu chìm, 3 tàu dịch vụ hậu cần nằm bờ). Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, phần lớn các “tàu 67” khi đưa vào hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả, nhưng vẫn còn một số tàu phải nằm bờ do phương án sản xuất kém hiệu quả so với nhu cầu thực tế như tàu dịch vụ hậu cần, hay tàu thiết kế chưa phù hợp nên đánh lưới hay bị rách như tàu lưới vây.
Để giúp các “tàu 67” hoạt động tốt hơn, ngành Thủy sản tỉnh đã hướng dẫn chủ tàu lựa chọn phương án kiêm nghề để khai thác thủy sản (KTTS). Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: “Có 8 chủ “tàu 67” xin chuyển đổi nghề; trong đó, có 5 tàu hành nghề lưới vây, lưới rê, 3 tàu dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, qua rà soát lại, chưa có quy định nào cho phép cơ cấu lại khoản nợ vay trong trường hợp các tàu này chuyển đổi nghề hoạt động. Do đó, chúng tôi đã hướng dẫn các chủ tàu thực hiện thủ tục để được hoạt động thêm nghề phụ. Đến nay, có 5 tàu lưới vây, lưới rê được cấp phép KTTS hoạt động thêm nghề phụ mành chụp”.
Ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS, thổ lộ: “Tàu tôi đóng năm 2016, hoạt động nghề chính là lưới vây ánh sáng. Nhưng do tàu bị hư hỏng nằm bờ trong thời gian dài, cộng với nghề lưới vây hoạt động không hiệu quả, nên tháng 4.2020, tôi làm thủ tục bổ sung thêm nghề phụ mành chụp để hoạt động. Hiện tàu tôi đã được cấp giấy phép KTTS hoạt động nghề chính lưới vây ánh sáng và nghề phụ mành chụp”.
Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ nhiên liệu, đào tạo các chức danh tàu cá, chính sách hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị định 17… được tỉnh ta chú trọng triển khai. Ngư dân Lê Văn Thiểu, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99999 - TS, bộc bạch: “Năm 2017, tôi vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép trị giá hơn 17 tỷ theo chính sách Nghị định 67, nhưng tàu bị sự cố khi KTTS trên biển trong lúc thời tiết xấu nên bị chìm vào tháng 7.2019. Hiện tại, phía Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định đang xem xét, giải quyết đền bù tổn thất theo bảo hiểm tàu cá tôi mua trước đó (Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm). Tôi cũng mong sớm được Công ty bảo hiểm đền bù để có thể xóa nợ vay”.
Dù đã có những sự quan tâm, việc thực hiện chính sách Nghị định 67 tại tỉnh ta hiện vẫn còn gặp khó, nhất là hiện tại tàu 67 không mua được bảo hiểm nên phía ngân hàng không cho ra khơi; nhiều chủ tàu 67 làm ăn có hiệu quả nhưng cố tình chây ỳ trả nợ vay khiến phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT và kiến nghị một số giải pháp, như: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét tính toán cơ cấu lại nợ trong trường hợp tàu cá chuyển đổi nghề, xây dựng phương án sản xuất đảm bảo việc trả nợ vay; tạo điều kiện cho các chủ tàu chưa mua được bảo hiểm tiếp tục vươn khơi để có thu nhập trả nợ vay. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các DN kinh doanh bảo hiểm tiếp tục bán bảo hiểm “tàu 67” cho ngư dân; Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ cho chủ trương tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tàu cá như mức 90% như trước đây, vì hiện tại mức kinh phí hỗ trợ chỉ còn 50% theo quy định tại Nghị định 17.
Ngoài ra, từ kinh phí của UBND tỉnh cấp tạm ứng hơn 568 triệu đồng để đào tạo nghề cho ngư dân “tàu 67”, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương vận động ngư dân tham gia các lớp đào tạo chức danh tàu cá, vận hành tàu, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm… nhằm góp phần hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN