THỰC HIỆN LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH NĂM 2019:
Thuận lợi cho nhân dân
Có hiệu lực từ ngày 1.7, đến nay Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập, xuất cảnh tại Việt Nam.
Với nhiều quy định mới, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được xem là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân. Riêng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều quy định kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định của pháp luật khác có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đơn giản thủ tục khiến người dân thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Đơn giản, thuận lợi
Tuy chỉ đi cùng bạn đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, CA tỉnh để lấy hộ chiếu đã làm trước đó, song vì thấy thủ tục đơn giản nên anh Trần Văn Cầu, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn cũng tiến hành làm cho mình một hộ chiếu mới. Anh chia sẻ: “Tôi tưởng thủ tục rườm rà chứ đâu có nghĩ chỉ cần có CMND, ảnh thẻ và cũng không cần phải đi chứng thực giấy tờ hay hộ khẩu gì, quá thuận lợi nên tôi đăng ký làm luôn, để mai mốt cần thì có dùng”. Được biết, so với các quy định trước đây, thì Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện hành không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua internet. Người đề nghị cấp hộ chiếu được nhận kết quả tại địa chỉ thuận tiện theo yêu cầu.
Cùng đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng có nhiều quy định mới, chi tiết hơn, đơn giản hóa nhiều thủ tục xin cấp thị thực; nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia trình độ cao, khách du lịch… Cụ thể, Luật Bổ sung về cấp thị thực điện tử (thị thực EV) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đồng thời sửa đổi các quy định cấp thị thực và thẻ tạm trú cho nhà đầu tư (ký hiệu ĐT trước đây). Như trường hợp của anh Steven Andres, người Anh, hiện đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn. Thay vì phải đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục thay đổi thị thực, anh Steven chỉ cần đến làm thủ tục tại địa phương nơi mình cư trú hay đầu tư. “Trước đây, tôi làm việc tại công ty với vai trò là người lao động nên thị thực của tôi là LĐ. Nay, tôi có đầu tư vốn vào công ty với vai trò là người góp vốn. Có sự thay đổi này nên tôi phải đổi sang thị thực ĐT. Thú thật, sự điều chỉnh Luật của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi, tôi rất hài lòng”.
Phù hợp thực tiễn
Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, CA tỉnh, cho biết: “Với quy định mới, người dân đã được cấp CMND có thể liên hệ cấp hộ chiếu ở nơi thuận lợi, tức là bất kỳ tỉnh nào, nơi đang ở, dù có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn hay không. Chỉ cần có CMND (hoặc căn cước công dân-PV) thì có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của CA sở tại đề nghị cấp mới hộ chiếu, đợi đến thời gian quy định nhận hộ chiếu hoặc thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh bưu điện để nhận hộ chiếu tại nhà”.
Cũng theo Luật, đối với người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần 2 trở đi, được lựa chọn nơi làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc CA địa phương nơi thuận tiện, không phải lo lắng hộ chiếu hết hạn. Theo thượng tá Hà, việc cấp hộ chiếu riêng cho trẻ dưới 9 tuổi sẽ tránh được những phức tạp phát sinh khi hộ chiếu của trẻ cấp chung với hộ chiếu của cha mẹ như trước đây. Ví dụ, con cấp chung hộ chiếu cùng mẹ nhưng lại xuất cảnh cùng cha; khi cấp chung hộ chiếu với con thì hộ chiếu của cha hoặc mẹ chỉ có thời hạn 5 năm thay vì 10 năm nếu cha, mẹ cấp riêng hộ chiếu. Ngoài ra, Bộ CA đã đưa vào sử dụng hộ chiếu có gắn chip điện tử để tăng tính xác thực cho hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả và tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các quốc gia được nhanh chóng.
Bên cạnh đó, đối với công dân nước ngoài, hiện đang công tác tại Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi từ luật. Cụ thể, Luật Sửa đổi đã bổ sung 4 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích. Đó là khi người nước ngoài có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động… Đặc biệt, Luật cũng bổ sung một số nội dung quy định theo hướng mở, thông thoáng về giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu và cấp các loại giấy tờ cư trú đối với người nước ngoài.
KIỀU ANH