Quyết liệt giải ngân vốn ODA
Gỡ nút thắt lớn nhất trong khâu giải phóng mặt bằng; gắn trách nhiệm của từng lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, chủ đầu tư trong chỉ đạo, xử lý kịp thời vướng mắc; giám sát chặt tiến độ thi công công trình… là những thành công để Bình Ðịnh thuộc nhóm dẫn đầu giải ngân vốn đầu tư ODA, vốn vay nước ngoài.
Tại hội nghị quan trọng được tổ chức trực tuyến toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân ODA, diễn ra ngày 29.10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngoài đại dịch Covid-19, vướng mắc trong cơ chế chính sách, khác biệt về quy trình thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ thì công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư là “điểm nghẽn” rất lớn.
Công trình kiên cố đập dâng Lại Giang (TX Hoài Nhơn) từ vốn ODA năm 2020 đã hoàn thành đi vào hoạt động, phục vụ tưới tiêu cho 2.327 ha đất canh tác. Ảnh : QUANG HẢI
Linh hoạt khâu đền bù, giải phóng mặt bằng
Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung được Bộ NN&PTNT phân bổ đầu tư tại Bình Định cuối năm 2019 với 6 dự án thành phần, tổng mức đầu tư hơn 377 tỷ đồng từ hai nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á hơn 333 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 44 tỷ đồng. Dự án đã thi công hoàn thành giải ngân các dự án thành phần thuộc kế hoạch đầu tư năm 2020 như: Dự án kiên cố kênh hồ Núi Một; kiên cố kênh đập Lại Giang; sửa chữa nâng cấp các hồ chứa Hội Khánh, Mỹ Thuận; đầu tư kênh N24 thuộc hệ thống kênh tưới Văn Phong; nâng cấp các tuyến giao thông công trình phục vụ nông thôn mới Nhơn Thọ - Nhơn Khánh.
“Bình Ðịnh là địa phương có kinh nghiệm rất hay, khi điều chỉnh linh hoạt cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng kịp thời. Hiện, chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng hầu hết đã thống nhất và phân cấp cho chính quyền địa phương; đặc biệt giao UBND tỉnh quy định cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Việc định giá đất áp dụng định giá cụ thể, không cứng nhắc; mỗi dự án, mỗi thời điểm khác nhau, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tiến hành định giá đảm bảo lợi ích người dân, thuận lợi triển khai dự án”.
Thứ trưởng Bộ TN và MT LÊ MINH NGÂN
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh - chủ đầu tư dự án, cho biết, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nguồn lực đầu tư công gặp nhiều khó khăn thì dòng vốn ODA vô cùng có giá trị. Ngay khi dự án được phê duyệt, Ban phối hợp chính quyền địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời phối hợp công tác giám sát nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Hiện các dự án thành phần đã bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán dự án.
Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung là một trong 3 dự án giải ngân vốn ODA ấn tượng, đạt 100% kế hoạch giao vốn năm nay. Đến ngày 27.10, với hơn 900 tỷ đồng vốn ODA, vốn vay nước ngoài được phân bổ trong năm, Bình Định đã giải ngân hơn 795 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 87,79%.
Để khơi thông được “dòng chảy” ODA, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng, khâu khó nhất là đền bù giải phóng mặt bằng. Tỉnh tích cực triển khai xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, vận dụng tối đa mức đền bù theo quy định. Tỉnh còn có cơ chế riêng, sẵn sàng ứng kinh phí để kịp thời chi trả cho người dân sau khi phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, tỉnh chú trọng chỉ đạo các cơ quan có chức năng thẩm định, thẩm tra trong các khâu hoàn thiện hồ sơ thủ tục dự án ODA. Chủ đầu tư giám sát chặt chẽ tiến độ thi công công trình của các nhà thầu, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm, chậm tiến độ - xem đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm, làm cơ sở bình xét thi đua khen thưởng hoặc xem xét kỷ luật đối với tập thể, cá nhân.
“Quan trọng là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị (bao gồm cả lãnh đạo UBND tỉnh) tập trung xử lý những khó khăn ngay khi phát sinh của chủ đầu tư. Hằng tuần, lãnh đạo tỉnh kiểm tra hiện trường để kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chia sẻ.
Trình tự, thủ tục thực hiện dự án ODA kéo dài
Mục tiêu hấp thụ 100% vốn ODA đến cuối năm nay của tỉnh là khả thi. UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn giao, đặc biệt “Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - tiểu dự án TP Quy Nhơn” cần tập trung rà soát, có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn giao, nếu tiến độ giải ngân không đáp ứng theo yêu cầu đề ra sẽ bổ sung cho dự án có tiến độ giải ngân tốt và còn hạn mức trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương và kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách, trong đó Bình Định được bổ sung 100 tỷ đồng vốn ODA cho giai đoạn 2016 - 2020. Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh điều chỉnh kế hoạch đối với các dự án giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu sang dự án giải ngân tốt, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn giao năm 2020.
Tuy nhiên, ở khía cạnh đầu tư, vướng lớn nhất hiện nay là trình tự, thủ tục thực hiện dự án ODA quá dài. Theo quy định hiện nay, Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án cũng như phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nhưng, một dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến quyết định đến hai lần và mỗi lần đều phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị của dự án.
“Trung ương cần xem xét điều chỉnh quy trình thủ tục nêu trên theo hướng Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án; cơ quan chủ quản là cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở ý kiến thẩm định của bộ, ngành Trung ương. Việc điều chỉnh quy trình như trên sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án cũng như quyết định, ký Hiệp định và giao kế hoạch vốn cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025”, Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long kiến nghị.
T.HIỀN