Ðưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Bình Ðịnh triển khai từ năm 2019, đến nay có 51 sản phẩm được công nhận OCOP. Tuy nhiên, tạo niềm tin, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm là bài toán khó không phải chủ thể sản phẩm nào cũng làm được.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm OCOP tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.
OCOP và giá trị đặc trưng
Hầu hết các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ở Bình Định có chỗ đứng khá vững trên thị trường, đặc biệt sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao (cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải Nguyên và Công ty TNHH Tân Xuân Lộc, phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn; gà giống của Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) xuất khẩu sang nước ngoài.
Các sản phẩm đạt 4 sao, 3 sao đều là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, nguồn nguyên liệu của địa phương, sản xuất an toàn (dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An, nước mắm Như Hoa, yến sào Tam Quan ở TX Hoài Nhơn; nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát…).
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An (TX Hoài Nhơn), cho biết: “HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa sạch, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm dầu dừa và bánh tráng dừa; cả hai đều được chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm HACCP. Chúng tôi không chỉ ứng dụng các công nghệ mới, cải tiến mẫu mã sản phẩm liên tục mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định ở mức tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường. HTX đặt mục tiêu mở rộng kênh phân phối không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến nước ngoài”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua không ổn định nên một số cơ sở, DN sản xuất sản phẩm OCOP phải cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, vượt qua khó khăn, nhiều đơn vị xem đây là cơ hội mở rộng thị trường, tăng thêm kênh phân phối; thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng chính xác thị hiếu người tiêu dùng.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, Giám đốc HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Phong Nga, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, các loại bánh cốm, bánh gạo lứt… của HTX đều phải cắt giảm chừng 30% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Giảm sản lượng, giảm lãi nhưng chúng tôi lại tăng đầu tư để đưa sản phẩm vào các siêu thị như Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Big C; tích cực tìm nhà phân phối mới, mở rộng thị trường bán lẻ, tiếp cận đến cả các tiệm tạp hóa nhỏ, các cửa hàng đặc sản… HTX đầu tư bài bản bộ nhận dạng thương hiệu để định hình vị trí trong trí nhớ của người tiêu dùng”.
Nâng tầm Chương trình OCOP
Hiện Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh phê duyệt, công nhận 12 sản phẩm OCOP nữa. Trong đó có nhiều sản phẩm truyền thống sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng tiên tiến, được đầu tư xây dựng thương hiệu bài bản như: Gà giống Cao Khanh (Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh, xã Cát Tân, huyện Phù Cát); nhang hương trầm (hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Toàn, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân); dưa lê (Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước); bún gạo khô Biên Thắm (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân).
Theo đại diện một số DN, cơ sở tham gia chương trình OCOP, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương nên có chính sách đồng bộ trong việc quản lý, chọn lọc DN để chương trình đạt hiệu quả tối đa và đảm bảo bền vững.
Bà Phùng Thị Thanh Miền, Giám đốc Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới, chia sẻ: “Vấn đề xây dựng đầu ra cho sản phẩm là mối quan tâm lớn của đơn vị sở hữu. Xin lấy chính chúng tôi làm ví dụ, mỗi vụ dưa, Công ty công khai minh bạch quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, nghiêm túc đưa mẫu đi kiểm tra các chỉ số mà người tiêu dùng quan tâm như độ an toàn, độ ngọt, dư lượng hóa chất độc hại… Với giá cả hợp lý, kênh bán hàng đa dạng từ các cửa hàng trái cây sạch ở địa phương đến trang bán hàng điện tử, sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng tín nhiệm. Nếu Chương trình OCOP hỗ trợ nhà sản xuất nhiều hơn, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm OCOP. Hanh thông từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, thì chính sách của Nhà nước mới thật sự đi vào cuộc sống”.
Không chỉ Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới tâm tư, theo đại diện các đơn vị như HTXNN Nhơn Thọ II (TX An Nhơn), HTX sản xuất rau an toàn Nhơn Hưng (huyện Tuy Phước)… khi sản phẩm bắt đầu kết nối với người tiêu dùng, chính là lúc họ cần hỗ trợ thêm nhiều hơn. Trong khi đó, khá nhiều cán bộ chuyên trách của chính quyền, cơ quan chức năng lại cho rằng Chương trình OCOP đã đến đích và giảm dần mức độ hỗ trợ.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chủ thể sản phẩm OCOP được phép thụ động chờ đợi. Ngược lại, họ cần năng động, tìm cách xây dựng hệ thống đại lý bán hàng, xây dựng mạng lưới cửa hàng nhượng quyền thương mại… Bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV nông nghiệp Song Thủy (TP Quy Nhơn), cho biết: “Khi chúng tôi đưa được sản phẩm chả ram tôm đất vào hệ thống siêu thị Vinmart, tôi chủ động kết nối để đưa thêm một số sản phẩm OCOP khác của địa phương như: Bưởi da xanh Hoài Ân, dưa Hoàng Kim, dừa Tam Quan… đi cùng. Hiện nay, công ty đang triển khai một số chương trình dùng thử sản phẩm ở các hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Tôi tin rằng với việc bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý, các sản phẩm OCOP sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận”.
HẢI YẾN