Từ chiếc Honda 67 của đội xe Kim Mã
Trong kháng chiến chống Mỹ, thiếu phương tiện vận chuyển cơ động là một trong những vấn đề khó khăn của cách mạng nước ta trên chiến trường miền Nam. Giữa bối cảnh đó, Ðội xe Kim Mã của Bình Ðịnh là một sáng tạo khá lớn.
Chiếc xe Honda 67 của Đội Kim Mã đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Trên chiến trường Bình Định giai đoạn từ năm 1971 trở về trước, mọi vật dụng, vũ khí, hàng hóa, lương thực… đều dùng sức người cõng bộ, từ đồng bằng lên chiến khu miền núi, từ căn cứ đến các chiến trường, xuống đồng bằng.
Tháng 4.1972, quân ta giải phóng huyện Hoài Ân, huyện đồng bằng đầu tiên của khu 5 được giải phóng hoàn toàn. Nếu tính rộng ra khắp chiến trường miền Nam, trong chiến dịch Xuân Hè 1972, Hoài Ân cũng là một trong những huyện được giải phóng hoàn toàn đầu tiên. Từ đó, Hoài Ân trở thành hậu phương, là bàn đạp tiến về đồng bằng Bình Định nói riêng và cả khu 5 nói chung. Cuối tháng 6.1972, chính quyền cách mạng được thành lập ở 4 huyện: Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, gồm 37 xã, 2 thị trấn (Bồng Sơn, Tam Quan), 200 thôn, lãnh đạo nhân dân bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng, ổn định đời sống. Cách mạng chuyển sang một bước ngoặt mới.
Các khu căn cứ của địch bị ta tấn công mạnh, địch bỏ chạy để lại nhiều loại phương tiện như: Mô tô, ô tô, xe đạp, thuyền, và vũ khí, đạn dược… Tận dụng các phương tiện của địch, ta thành lập các đội xe vận chuyển. Tỉnh ủy cho thành lập Đội mô tô với khoảng 100 chiếc, lấy tên là Đội xe Kim Mã, đóng quân tại thôn Xuân Phong, xã An Hòa, huyện An Lão. Đội xe Kim Mã vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, vũ khí phục vụ cho toàn chiến trường Bình Định.
Thật ra trước đó, từ đầu năm 1969, theo yêu cầu công tác giao thông vận tải, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Giao vận Bình Định trên cơ sở lực lượng của Tổng đội Thanh niên xung phong thường trực và các đơn vị giao thông, Ban hành lang và lực lượng của 2 liên đội Ngô Mây và Nguyễn Kim, căn cứ đóng trên vùng núi thuộc xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, do đồng chí Lê Hữu Tâm làm Trưởng ban. Đến giữa năm 1972, Ban Giao vận tỉnh có quân số gần 1.000 người, do đồng chí Kim Anh làm Trưởng ban, chia làm các đội như: Đội thuyền, Đội cầu, đội Kim Mã (đội mô tô thồ), Đội Kim Tượng (đội ô tô), Xưởng sửa chữa ô tô 1.5, Đội khảo sát thiết kế, Xưởng rèn, Công trường 9.1, Bệnh xá. Ban Giao vận được chia thành 3 đoàn phục vụ: Đoàn Bắc Sơn, Đoàn Trung Sơn, Đoàn Nam Sơn. Trong đó với khả năng cơ động cao, đội Kim Mã được nhắc đến nhiều nhất.
Đội xe Kim Mã thuộc Đoàn Bắc Sơn do đồng chí Lê Uy Thệ làm Đội trưởng. Các xe thường khởi hành từ sáng sớm hoặc chiều muộn, lúc chạng vạng để tránh máy bay trực thăng của địch quan sát, mỗi ngày đi 2 - 3 chuyến, mỗi xe chở 300 - 400 kg, vượt đèo dốc, lội suối, băng rừng ngày đêm không mệt mỏi.
Địa bàn hoạt động của Đội xe chủ yếu theo đường núi, nhận vũ khí, đạn dược… từ cánh đồng Sa Lung (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) chuyển về địa bàn Hoài Ân, An Lão. Bấy giờ, kho - trạm trung chuyển ở Ba Tơ là nơi tập kết vũ khí, đạn dược từ miền Bắc đưa vào để tiếp ứng cho các chiến trường ở khu 5, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Đội xe nhận vũ khí, đạn dược đưa về phục vụ chiến trường Bình Định và ngược lại chở lương thực, thực phẩm từ đồng bằng Hoài Nhơn, Phù Mỹ về lại căn cứ Hoài Ân, An Lão.
Một trong những chiếc xe của Đội xe Kim Mã năm xưa nay được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Chiếc xe này thuộc loại Honda 67 ký hiệu SS50E - 42202, do Nhật Bản sản xuất năm 1971, là chiến lợi phẩm của Ban Giao Vận tỉnh Bình Định, thu được trong cuộc tiến công thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn năm 1972. Chiến tranh đã lùi xa, chiếc xe Honda 67 của đội Kim Mã một thời dọc ngang thồ hàng vận chuyển tiếp ứng khắp các chiến trường Bình Định - Quảng Ngãi trở thành hiện vật ghi dấu cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân Bình Định trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
HỒ THÙY TRANG