Người thừa kế theo pháp luật
Ông Nguyễn Giàu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn hỏi: Cha tôi cưới mẹ tôi, sinh ra tôi được 3 tuổi thì mẹ qua đời. Sau đó, cha tôi có vợ khác sinh được 3 con. Các con khôn lớn, cha và mẹ kế đã cho tài sản riêng từng con. Khi còn sống cha và mẹ kế đã nói miệng cho tôi một ngôi nhà đứng tên cha và mẹ kế , tôi đã ở hơn 5 năm nay. Hiện ngôi nhà này vẫn đứng tên cha và mẹ kế tôi là chủ sở hữu. Nay các em đến tranh chấp nhà, đòi chia thừa kế theo pháp luật. Vậy việc làm của các em tôi là đúng hay sai?
Trả lời: Theo điều 676 Bộ luật Dân sự có quy định:
1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; …
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Vấn đề ông hỏi, vì hiện tại ngôi nhà ông đang ở do cha và mẹ kế của ông làm chủ sở hữu. Khi cha và mẹ kế ông qua đời không để lại di chúc, nên việc các em ông đòi chia thừa kế theo pháp luật là có cơ sở. Vì theo khoản 1, điều 676 Bộ luật Dân sự vừa nêu trên, các em ông ở hàng thừa kế thứ nhất. Ông có thể giãi bày, thuyết phục các em của ông đồng ý theo ý nguyện (bằng miệng) của cha và mẹ kế về việc cho nhà cho ông. Trường hợp họ không đồng ý thì họ có quyền kiện ra tòa để yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.
B.B.Đ