Đời mẹ lên phim
Góp mặt trong bộ phim tài liệu “Chân dung 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng” trên mọi miền Tổ quốc, Bình Ðịnh có hai đại diện: mẹ Nguyễn Thị Bỉnh (huyện Tây Sơn) và mẹ Huỳnh Trị Triển (huyện Hoài Nhơn). Chạm vào nỗi đau của mẹ, chúng ta càng thấm thía giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và nhắc nhở bản thân sống tốt hơn.
Chuyện của mẹ Bỉnh
Ở tuổi 88, mẹ Nguyễn Thị Bỉnh hiện sống cùng gia đình người con trai Nguyễn Xuân Cường tại 190 Trần Quang Diệu, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn). Chồng là liệt sĩ, có 5 người con, chiến tranh lấy đi mất 2. Càng gần đến Tết, nỗi nhớ thương chồng, con càng se sắt trong lòng mẹ. Tết là mùa đoàn viên, nhưng với mẹ, từ nhiều năm rồi, ý nghĩa này thật khó tròn vẹn.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến công tác tại Bình Định đã đến thăm Mẹ Nguyễn Thị Bỉnh, tháng 9.2011. Ảnh: VĂN LƯU
Chồng mẹ, liệt sĩ Nguyễn Trước, hy sinh tại Gò Nanh Heo (thuộc xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) vào ngày 28.11.1965. Quân địch tàn ác đã dùng cây đóng gập xác ông lại và cho kéo lê khắp nơi để uy hiếp tinh thần dân chúng. Đau đớn chứng kiến cái chết của cha, con trai thứ 3 - Nguyễn Tuấn (sinh năm 1945) đã không hề run sợ; vừa tròn 20 tuổi, anh đã đi theo cách mạng. Nối gót cha, anh, năm 1967, người con trai thứ 4 - Nguyễn Văn Xuân (sinh năm 1948) cũng đi theo tiếng gọi cứu quốc.
Mẹ Bỉnh trở thành đối tượng theo dõi của kẻ thù. Ba lần vào tù, chịu bao tra khảo, đòn roi nhưng mẹ vẫn một lòng kiên trung. Làm cơ sở cách mạng, ngày ngày mẹ bí mật đào hầm, nuôi giấu cán bộ, làm giao liên, tiếp tế hậu cần… Tin dữ liên tiếp giáng xuống đời mẹ khi anh Tuấn hy sinh ngày 22.9.1970 tại Phú Lạc và không tìm được xác. Không đợi được đến ngày đất nước thống nhất, ngày 26.11.1974, anh Xuân cũng vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê nhà An Dõng, xã Bình Thành.
“Đêm cuối cùng thằng Tuấn về thăm nhà, nó bảo má đi chợ mua thiệt nhiều kim chỉ để lần tới về lấy mang vào rừng chia cho anh em, đồng đội khâu vá. Còn thằng Xuân, tháng 11.1974, khi lần thứ 3 gia đình bị lộ, cơ sở tức tốc đưa má cùng 3 con lên vùng giải phóng Vĩnh Thạnh, nó có đến thăm. Đêm cuối cùng mấy mẹ con, anh em quây quần bên nhau, Xuân nói tới ngày 28.11 âm lịch, mấy má con mình làm giỗ cha trên này nghen… Đứa nào cũng hẹn má chuyện này chuyện nọ mà chẳng đứa nào chịu giữ lời”, giọng mẹ nghẹn ngào.
Chuyện về mẹ Triển
Chiến tranh qua đi gần 40 năm, Tết này với mẹ Bỉnh mới thật sự là Tết. Bởi mẹ thỏa ước nguyện cuối đời: giữa năm 2013, liệt sĩ Nguyễn Tuấn đã được tìm thấy cạnh những đồng đội của mình trong một ngôi mộ tập thể tại khu vực gò Vườn Xoài, thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn). Năm tới, mẹ Triển sẽ chuyển đến ở cùng gia đình người cháu gọi bằng cô ruột. Mẹ nói: “Sẩy con còn cháu, ở với chúng cho tiện, để chúng nó ngày nào cũng chạy qua chạy lại trông nom thấy tội quá.
Trọn cuộc đời, mẹ Huỳnh Thị Triển (86 tuổi, ở thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) đã bền bỉ hiến dâng cho độc lập dân tộc. Trò chuyện cùng mẹ, thấy mẹ đắm vào hồi ức về người con trai độc nhất đã hy sinh, tôi có ý lái câu chuyện sang hướng khác. “Người mẹ nào lại không muốn kể về con mình hở con, cho dù nó đã không còn”, mẹ Triển bảo vậy. Tôi hiểu, điều đau đớn cũng là hạnh phúc, an ủi nhất của người mẹ mất con là được nhắc nhớ về con mình!
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1948, cô thanh niên ưu tú Huỳnh Thị Triển được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cô tham gia công tác thanh niên, phụ nữ tại địa phương; đào hầm, vót chông, đi dân công tiếp vận… Năm 1954, tiễn chồng đi tập kết, người vợ hiền trung hậu ở lại quê nhà vừa tảo tần nuôi con nhỏ vừa hoạt động cách mạng. Trong giai đoạn “đêm đen” của cách mạng- “tố cộng, diệt cộng”- tên Huỳnh Thị Triển nằm trong danh sách loại B của chính quyền Mỹ - Diệm (diện cán bộ xã, thôn, đảng viên, gia đình có người thân đi tập kết). Ngày bị quản thúc nghiêm ngặt, bắt bớ, đánh đập, đêm đêm nghe tiếng kẻng lại bế con đến ngủ tại trại tập trung có dân vệ canh gác...
Chiến tranh chia cắt, chồng có hạnh phúc mới, đứa con độc nhất- anh Phạm Văn Mẫn, người đội viên du kích gan dạ, đã anh dũng hy sinh vào ngày 15.5.1967 tại Bình Đê.
SAO LY