Tội phạm từ vay mượn, tín dụng đen: Do những kẽ hở của luật
Tình trạng vay mượn, tín dụng đen xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua gây mất ANTT và dẫn đến những hệ luỵ xã hội khác. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự không hề đơn giản vì những kẽ hở của luật pháp.
Khó xử lý hình sự nạn quỵt nợ
Đầu tháng 12.2013, khi ĐBQH Vương Đình Huệ về tiếp xúc với các cử tri là CA, đại diện lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT, CA tỉnh, đã nêu thực trạng vay mượn, tín dụng đen trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung làm ảnh hưởng đến tình hình trị an trên địa bàn. Một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng trên là việc xử lý hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hiện rất khó khăn chính từ các quy định của pháp luật.
Điều 140 Bộ luật Hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định: “Sau khi nhận được tài sản thông qua hình thức vay, mượn, cho thuê, sau đó đối tượng có một trong 3 hành vi: dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản mới phạm tội”. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thống nhất về hành vi bỏ trốn của đối tượng, chưa có quy định thế nào là bỏ trốn nên cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, ngại không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ông Nguyễn Thành Quát, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, xét xử án kinh tế - chức vụ (gọi tắt là Phòng 1), Viện KSND tỉnh, phân tích: “Chính vì chưa có sự hướng dẫn thống nhất về thế nào là hành vi bỏ trốn của đối tượng vay nợ nên các cơ quan tiến hành tố tụng có những nhận định khác nhau. Và, nếu như không có sự thống nhất chung giữa ba ngành công an - kiểm sát - tòa án thì không thể xử lý hình sự. Hiện, tin báo về tình trạng vay mượn nhưng không trả thì nhiều, nhưng đưa vào xử lý hình sự rất khó vì đối tượng vay mượn không bỏ trốn, còn việc chứng minh được việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp là không hề đơn giản”.
Cơ quan chức năng “vướng” quy định không xử lý được, trong khi người cho vay vì nóng ruột do không lấy lại được tài sản nên đã có những hành động vi phạm pháp luật khác, như: thuê xã hội đen đòi nợ, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật nhằm mục đích đòi cho được nợ, gây mất ANTT, trị an xã hội. Thời gian qua, tình trạng này đã xuất hiện tại Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn.
Đơn cử, vào tháng 10.2012, tại chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Phú Tài, Quy Nhơn, xảy ra một vụ giật tiền ngay trước văn phòng giao dịch gây náo loạn. Bức xúc vì không đòi được món nợ 28 tỉ đồng của mình, bà T.T.H.A. (ở TP Hồ Chí Minh) đã nhờ người giật bọc tiền 1,2 tỉ đồng của bà B.T.D., vốn là con nợ của bà A, để “cấn nợ” vừa ngay khi bà D. lấy tiền từ trong cốp xe ra, chuẩn bị vào gửi tiền. Hành vi của bà A. là trái pháp luật, song sâu xa lại xuất phát từ việc bà không đòi được nợ, cơ quan chức năng không xử lý hình sự bà D., dù bà A. có những bằng chứng bà D. nợ mình hàng chục tỉ đồng.
Còn tại huyện Hoài Nhơn, hơn 2 năm qua cũng đã xảy ra 9 vụ vỡ nợ vì huê hụi, cho vay nặng lãi với tổng số tiền khoảng 20 tỉ đồng, liên quan đến 100 người; đồng thời đã xảy ra các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hành xử theo kiểu “xã hội đen” của một số đối tượng liên quan, chủ yếu là các chủ nợ, gây phức tạp cho tình hình ANTT địa phương.
Cần thiết phải thay đổi
Từ những bất cập trên, nên tại buổi tiếp xúc với ĐBQH Vương Đình Huệ, Văn phòng Cơ quan CSĐT, CA tỉnh đã kiến nghị Quốc hội bổ sung, sửa đổi Điều 140 Bộ luật Hình sự là bỏ quy định “bỏ trốn” trong yếu tố cấu thành tội phạm; yêu cầu liên ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn để hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải bị xử lý hình sự, chứ không thể cho rằng đó chỉ là quan hệ dân sự. Bởi chính vì điều này mà nhiều đối tượng đã lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền rất lớn, gây bất ổn cho xã hội.
Ông Nguyễn Thành Quát bày tỏ thêm: “Theo ý kiến của riêng tôi, trường hợp này, việc xử lý hình sự không nên chỉ căn cứ vào hành vi bỏ trốn khỏi địa phương của đối tượng vay nợ mà cần căn cứ vào các tình tiết như chủ nợ không nghe máy điện thoại, lánh mặt con nợ, sử dụng tiền không đúng mục đích vay ban đầu… Thực tế cũng cho thấy, các vụ tranh chấp về nợ vay khi đã chuyển sang quan hệ dân sự không chỉ kéo dài thời gian mà còn khó đòi được nợ từ chính quy định chủ nợ phải xác minh con nợ có khả năng trả nợ thì mới thi hành án…”.
Ngoài ra, theo phản ánh của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong Bộ luật Hình sự quy định việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải gây hậu quả nhiêm trọng, số lượng lớn, trục lợi bất chính lớn mới bị xử lý hình sự, song lại thiếu các quy định cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất ngiêm trọng, và đặc biệt nghiêm trọng như tại các điều: 285 (thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), điều 165 (tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng), 179 (tội cố ý làm trái các quy định về phân phối tiền hàng cứu trợ), 173 và 174 (tội vi phạm về các quy định sử dụng đất đai và tội vi phạm quy định về quản lý đất đai).
Ông Đào Duy Vân, Phó Phòng 1, Viện KSND tỉnh cho biết, vì cho đến nay chưa có hướng dẫn mới cụ thể nên các cơ quan tố tụng vẫn áp dụng pháp luật tương tự theo Thông tư số 01 ngày 2.1.1998 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1997. Vì vậy, trong một số trường hợp, việc áp dụng này không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
THU HÀ
Một thủ đoạn của con nợ khi xác định rằng mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về lừa đảo, con nợ vẫn thường dùng cách khai báo không trúng với sự thật (khai tăng giá trị lãi xuất cho chủ nợ, khai khống thêm thời gian vay nợ kéo dài,...các thủ đoạn khác) để đưa chủ nợ vào vòng tố vay nặng lãi, trả lãi vượt cả số tiền đã vay, làm nhiểu loạn và đưa quá trình điều tra đi vào thế lòng vòng,...đồng thời tranh thủ mọi thời gian chưa truy tố để tẩu tán tài sản (mặc dù phía CAĐT dù có nhận được đơn thư đề nghị của người bị hại đề nghị phong tỏa tài sản hiện có), để cuối cùng khi bước vào thi hành tố tụng tại tòa, mọi thứ lại đem lại cho con nợ những lợi thế nhất định. Chuyện xác định và trả lại giá trị chiếm đoạt cho người bị hại lại trở nên xa vời... Thiết nghĩ, trong giai đoạn điều tra Luật nên mở hướng hẳn cho CQĐT nhất thiết phải thực hiện việc kiểm kê tài sản của con nợ (khi con nợ đã chính thức xác nhận hoặc đầu thú). Có như vậy, tài sản của con nợ ít gì cũng được bảo toàn phần nào đ
Theo VKS tỉnh thì "chưa có hướng dẫn mới cụ thể nên các cơ quan tố tụng vẫn áp dụng pháp luật tương tự theo Thông tư số 01 ngày 2.1.1998 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1997" điều này là hoàn toàn hợp lý (vận dụng có cơ sở khi chưa có hướng dẫn mới thì hướng dẫn đã có vẫn chưa bị bãi bỏ và hợp pháp). Như vậy mức án của tội phạm vẫn có thể truy cứu hình sự theo các mức án định khung, định hình rồi còn gì nữa ? Còn chuyện chờ có sự sửa đổi hoặc hướng dẫn mới là chuyện của các Quốc hội, Bộ chuyên ngành, việc đề nghị, hối thúc thì cứ hối thúc, điều tra+truy tố+xét xử thì vẫn cứ làm chứ, chẳng nhẽ xã hội phải đứng yên lại vì chưa có hướng dẫn mới sao ? mỗi văn bản pháp Luật đều có tính thời điểm nhất định nào đó, chứ không có cái nào đè lên cái nào.
Kỳ lạ thật "Chứng minh thủ đoạn gian dối+thủ đoạn chiếm đoạt" sao lại không dễ dàng ? chứng minh thủ đoạn gian dối là bằng chứng vay mượn có ghi rõ trên giấy vay mượn hoặc từ lời khai, thú nhận của 2 bên theo mục đích mượn tài sản ban đầu là cái gì (dễ dàng kiểm chứng: mượn để làm gì), còn khi mượn xong con nợ làm gì để thua lỗ thì trách nhiệm của con nợ (thể hiện hành vi gian dối); còn việc xác định hành vi chiếm đoạt cũng không khó khăn gì ? vì không có khả năng trả nợ (theo lời hứa hoặc văn bản ghi rõ ngày trả nợ: tới ngày đó mà không trả, thì không gọi là mất khả năng trả nợ thì gọi là gì?), thì tự con nợ sẽ hứa hẹn thời gian khuất nợ trước cơ quan công quyền, điều tra, chứ nói theo kiểu không có thời gian, thì kiểu nói đó chăng khác nào chẳng hứa gì cả ??? thế mà các cơ quan cứ viện nên cớ này, cớ khác mang tính tranh cái về bắt từ, bắt chữ hoặc nói không có cơ sở cũng chỉ là cái cớ để biện luận cho hành động chậm làm của mình mà thôi !
"Bỏ trốn" là từ để chỉ hành vi của tội phạm, nếu cứ lý luận "Luật không chi tiết" thi dễ dẫn đến hành động "sợ trách nhiệm, không làm hết nhiệm vụ,..." Theo tôi nghĩ, con nợ đã nợ tiền theo kiểu lừa đảo, thì hành vi tất yếu sẽ là bỏ trốn (Luật đã tính sẵn chứ không phải là thiếu nên dùng từ hoặc), còn muốn điều tra của cơ quan tố tụng thì phải tiếp cận đối tượng mới có thể điều tra được. Do vậy, nếu muốn thực hiện việc ĐT thì biết có bao nhiêu phương thức mà CA có thể dùng để triệu tập nhóm lừa đảo (thông báo bằng văn bản, thông qua CA khu vực, báo cho người nhà, báo cho địa phương, gọi điện,....) nếu dùng hết các biện pháp rồi mà kẻ lừa đảo vẫn không ra trình diện thì có thể xem đó là hành vi bỏ trốn rồi (có nhà, địa chỉ đăng ký thường trú, có đăng ký ĐT mà không ở và không bắt ĐT nhiều lần, ....). Chứ nói theo kiểu sợ trách nhiệm chẳng khác nào là kiểu lý luận cho cái nhu nhược, bỏ qua.... mặc kệ ai chết mặc ai, làm cho tội phạm cảm thấy có vùng đất sống từ hành động của cơ quan ĐT.