Tăng sức đề kháng cho thanh niên trước nguy cơ “phai Ðoàn”
Nguy cơ “phai Ðoàn” đang đặt ra những yêu cầu mới, nhằm tăng sức đề kháng cho thanh niên trước nhiều “cám dỗ” cũng như thông tin xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017 - 2022), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị.
Thờ ơ với tổ chức Đoàn
“Phai Đoàn” là tình trạng “mờ dần” của tổ chức Đoàn khi không giữ được vị trí, vai trò là trường học XHCN của thanh niên. ĐVTN không giữ được mục tiêu, lý tưởng, tinh thần xung kích, sáng tạo, cống hiến của tuổi trẻ. Biểu hiện khác là một bộ phận thanh niên thiếu niềm tin vào tổ chức Đoàn; không giữ được lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của người thanh niên cách mạng.
Bệnh “phai Đoàn” còn có thể nhận diện qua các “triệu chứng” thường gặp: Ngại sinh hoạt Đoàn; không muốn phấn đấu trở thành đảng viên; lối sống thực dụng, đề cao vật chất quá mức; thoái thác nghĩa vụ công dân; phấn đấu cầm chừng, ngại rèn luyện...
Tỉnh đoàn tổ chức sinh hoạt chuyên đề CLB Lý luận trẻ quý II/2020.
Tại Bình Định, thời gian qua, tổ chức Đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, đưa hoạt động hướng mạnh về cơ sở. Song, trên thực tế, hoạt động của các tổ chức Đoàn đã bộc lộ một số hạn chế nhất định: Lực lượng đoàn viên mỏng, chất lượng hoạt động của các chi đoàn còn thấp, sinh hoạt chi đoàn chưa được tổ chức thường xuyên.
“Nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động còn thiếu hấp dẫn, ít sáng tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở địa bàn dân cư. Vai trò của người đoàn viên chưa được phát huy; khả năng vận động, tập hợp ĐVTN còn nhiều hạn chế. Một bộ phận đoàn viên còn thụ động, ý thức xây dựng tổ chức chưa cao, tình trạng bỏ sinh hoạt đoàn, thờ ơ với hoạt động và sinh hoạt của tổ chức đoàn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi”, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Duy Trung nhìn nhận.
Còn theo Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn Cao Kỳ Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “phai Đoàn” phần nhiều do tính thực dụng của các bạn trẻ bây giờ, cùng sự tác động, thu hút của mạng xã hội. Song, cũng phải thừa nhận, sự thiếu chiều sâu và tính “phong trào” của một số hoạt động đoàn đã dẫn đến sự nhàm chán cho đoàn viên.
Tự làm mới mình
Với lực lượng hùng hậu - trên 12.000 đoàn viên, khắc phục bệnh “khô Đoàn” là nhiệm vụ quan trọng đối với Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn. Thời gian gần đây, Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động truyền cảm hứng, có chiều sâu, mang đến lợi ích thiết thực cho đoàn viên như các sân chơi văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp...
“Mỗi hoạt động đều hướng đến trả lời câu hỏi: Cộng đồng và sinh viên được gì? Vật chất, tinh thần, sự trải nghiệm hay cống hiến? Sự chung tay truyền thông, định hướng của toàn thể viên chức, giảng viên và cán bộ đoàn đã góp phần không nhỏ vào tác động đến suy nghĩ của đoàn viên, để các bạn hiểu rằng: Tham gia sinh hoạt đoàn giúp bản thân trưởng thành hơn, các kỹ năng có được từ sinh hoạt đoàn sẽ giúp đoàn viên ra trường dễ kiếm việc làm hơn”, anh Cao Kỳ Nam chia sẻ.
“Phát huy vai trò “tự phát hiện và tự điều chỉnh” của mỗi ÐVTN cũng là giải pháp quan trọng. Cần tạo điều kiện tốt nhất cho ÐVTN nâng cao năng lực tự nhận thức và tự điều chỉnh. Ðồng thời, có cơ chế khuyến khích ÐVTN tích cực, chủ động phòng ngừa việc “phai Ðoàn” ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh với tinh thần xung kích của tuổi trẻ”.
Bí thư Tỉnh đoàn HÀ DUY TRUNG
Bí thư Tỉnh đoàn Hà Duy Trung cho rằng, cần nhận thức, đánh giá đúng biểu hiện và sự nguy hại để có giải pháp phòng ngừa tình trạng “phai Đoàn”, “khô Đoàn” ở một bộ phận thanh niên. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài.
Giải pháp đầu tiên là tổ chức Đoàn chủ động đổi mới và tăng cường tuyên truyền, giáo dục ĐVTN sống có lý tưởng, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của CLB Lý luận trẻ và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của Đoàn. Tổ chức Đoàn chủ động, đấu tranh với các luận điệu sai trái, phản động và khuyến cáo ĐVTN về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để cảnh giác.
Mặt khác, tiếp tục phát huy các thiết chế văn hóa, giáo dục của Đoàn; tập trung xây dựng, mở rộng mạng lưới các trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi, sân chơi cho thiếu nhi... Tăng cường định hướng giáo dục giá trị văn hóa thông qua các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật; thông qua việc tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa; tổ chức các điểm văn hóa thanh niên theo cụm dân cư; tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa dân gian dành cho thanh niên.
"Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn phải tích cực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phong trào để thu hút, tập hợp được đông đảo ĐVTN tham gia. Cùng với đó là làm tốt công tác truyền thông, phát huy ưu thế tích cực của các mạng xã hội trong việc tiếp cận và truyền đạt nội dung tuyên truyền, định hướng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho ĐVTN”, anh Hà Duy Trung nhấn mạnh.
MAI LÂM