Tuy Phước phát triển nghề trồng nấm
Tháng 5.2020 Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) tổ chức lớp trồng và nhân giống nấm cho 35 học viên. Trong thời gian 3 tháng, các học viên được học lý thuyết song song với thực hành cách trồng và nhân giống nấm rơm và nấm sò, kỹ thuật ủ nấm, chăm sóc, thu hoạch nấm. Ông Phan Ngọc Anh, ở thôn Tân Điền, chia sẻ: “Lớp học đã trang bị cho hội viên chúng tôi những kiến thức hữu ích về trồng và nhân giống nấm. Kết thúc khóa học, tôi trồng thử nghiệm 10 khuôn mô nấm rơm. Nấm rơm là loài ngắn hạn, thu hoạch chỉ sau 15 ngày ủ rơm. Sắp tới, tôi dự định sẽ mở rộng quy mô trồng nấm rơm, phát triển kinh tế gia đình”.
Anh Lê Huỳnh Kha Luân thu hoạch nấm.
Nghề trồng nấm rơm ở xã Phước Nghĩa phát triển khá sớm, nhiều hội viên được tập huấn kỹ thuật, học lớp đào tạo nghề trồng nấm. Cả xã hiện có hơn 30 hộ trồng nấm rơm. Để các nông hộ học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng KHKT vào sản xuất nấm, tháng 9.2020 Hội nông dân xã xây dựng mô hình “Tổ hội trồng nấm rơm” với 24 hội viên tham gia. Ông Hà Thúc Vĩnh Cường, ở thôn Hưng Nghĩa, cho hay: “Tôi trồng nấm rơm hơn 3 năm nay, mỗi vụ trồng 20 luống với 400 bịch phôi nấm. Tôi chọn meo giống nấm rơm N-Tuy Hòa có nguồn gốc rõ ràng và phương pháp ủ nấm phù hợp, không sử dụng phân bón và hóa chất nên sản phẩm đạt chất lượng, được nhiều thương lái trong huyện đặt mua với giá 70.000 đồng/kg. Nhờ vậy gia đình tôi có nguồn thu ổn định”.
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tuy Phước giải ngân 200 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 10 hộ ở thôn Hưng Nghĩa và Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa thực hiện dự án trồng nấm rơm. Mỗi hộ được vay 20 triệu đồng trong thời hạn 24 tháng, lãi suất 0,7%/tháng. Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Nghĩa, cho hay: “Dự án nhằm xây dựng mô hình trồng nấm rơm chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các hộ sẽ áp dụng kỹ thuật trồng nấm rơm và xuất bán cùng thời điểm để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập mỗi hộ trên 4 triệu đồng/tháng”.
Tại thị trấn Diêu Trì, mô hình sản xuất nấm bào ngư công nghệ cao do một nhóm bạn trẻ thực hiện, được dẫn dắt bởi anh Lê Huỳnh Kha Luân, đã mang lại thành công vượt bậc. Anh Luân cùng nhóm bạn của mình đã học hỏi, nghiên cứu công nghệ từ Thụy Sĩ rồi áp dụng thiết kế xây dựng nhà kín rộng 200 m2, đầu tư gần 500 triệu đồng lắp ráp các trang thiết bị như: Máy lạnh, phun sương, quạt hút khí CO2 và đèn chiếu sáng. Mô hình sản xuất nấm bào ngư công nghệ cao có 80 kệ, mỗi kệ để 350 phôi nấm, tổng 28.000 bịch phôi, mỗi tháng đạt hơn 3 tấn nấm. Sản phẩm được HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ Diêu Trì bao tiêu toàn bộ, cung cấp các chợ đầu mối trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Anh Luân chia sẻ: “Sản xuất nấm bào ngư công nghệ cao có nhiều ưu thế vượt trội, như: Không phụ thuộc vào thời tiết, trồng quanh năm và trồng nhiều loại nấm, tránh được các loại sâu bọ, côn trùng gây hại cho nấm. Kết quả mô hình cho thấy phôi nấm đã ủ trong khoảng 15 ngày là thu hoạch, sản lượng cũng tăng lên. Với diện tích 200 m2, mỗi năm người trồng có thể thu hoạch khoảng 36 tấn nấm, lợi nhuận gần 300 triệu đồng”.
ÐÌNH PHƯƠNG - THÀNH HUỲNH