Phù Cát thực hiện tốt 3 chương trình trọng tâm
Những năm gần đây huyện Phù Cát xây dựng và đặt mục tiêu thực hiện thật tốt 3 chương trình trọng tâm: Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp & tiểu thủ công nghiệp; phát huy giá trị các nghề truyền thống và tạo sản phẩm có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Việc thực hiện thành công 3 chương trình trọng tâm kể trên giúp Phù Cát tạo ra nhiều đột phá quan trọng trong phát triển KT-XH.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Phù Cát đang trên đà phát triển tốt, tạo nhiều việc làm cho người dân.
- Trong ảnh: Một cơ sở may gia công tại thôn Phú Kim, xã Cát Trinh.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh kinh tế của Phù Cát sẽ thấy lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều gam màu sáng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 13,72%, vượt 1,73% so với kế hoạch đề ra, riêng năm 2020, tỷ trọng nông- lâm - thủy sản chiếm 24,02% trong cơ cấu các ngành kinh tế, giảm 1,16% so với năm ngoái. Ngược lại công nghiệp - xây dựng đạt 27,46%, tăng nhẹ 0,41%; thương mại - dịch vụ 48,52%, tăng 0,75% so với kế hoạch. Ước tính bình quân thu nhập đầu người của Phù Cát đạt 46,8 triệu đồng/năm, tăng 13,8 triệu đồng so với năm 2015.
Đáng chú ý là Phù Cát khá năng động trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trong nền kinh tế nhưng lại nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Qua đó làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nhân dân trong huyện, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn bộ khâu làm đất, thu hoạch đạt ở Phù Cát đã được cơ giới hóa. Huyện cũng đã chuyển đổi 2.600 ha đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn có hiệu quả cao hơn như đậu phụng, bắp, dưa, ớt, mè… tăng 480 ha so với năm 2015. Không chỉ chuyển diện tích lúa 3 vụ sang sản xuất 2 vụ lúa/năm và 2 vụ lúa + 1 vụ màu với tổng diện tích chuyển đổi là 5.221 ha, tăng 2.263 ha so với năm 2015; cùng với đó Phù Cát còn thực hiện 196 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết chuỗi trên diện tích 9.900 ha, với hơn 43.000 lượt hộ gia đình tham gia sản xuất cây lúa, đậu phụng, mì, mì xen đậu, xen bắp; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong huyện đồng sức, đồng lòng, huy động các nguồn lực để tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt, tạo nên một nông thôn mới với cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng cao. Tổng nguồn vốn huyện đã thực hiện đạt gần 1.500 tỷ đồng, toàn huyện có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2020 có 100% xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và huyện hoàn thành nông thôn mới trong năm 2021.
Huyện Phù Cát là địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn có hiệu quả cao hơn.
Về sản xuất công nghiệp, xây dựng huyện Phù Cát tiếp tục phát triển với tốc độ tăng bình quân hàng năm 17,5%, tăng 2,13% so kế hoạch. Một số lĩnh vực, ngành nghề có giá trị gia tăng khá, sản phẩm chất lượng cao như: Gỗ, may mặc, vật liệu xây dựng, khoáng sản… Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh; thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp Gò Mít, Cát Nhơn, Cát Trinh cơ bản đã lấp đầy; tạo việc làm cho hơn 5.300 lao động. Các DN, cơ sở sản xuất ngoài các cụm công nghiệp tăng về số lượng và hoạt động hiệu quả, nhất là Nhà máy Điện mặt trời Cát Hiệp, Nhà máy Phong điện Phương Mai I, xã Cát Chánh. Toàn huyện có 11 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, đáng kể là: Nón ngựa Phú Gia, nước mắm Đề Gi, bún hủ tiếu, cốm đùng, sản phẩm đan đát Trung Chánh…
Bí thư Huyện ủy Phù Cát Đỗ Văn Ngộ khẳng định: Huyện Phù Cát khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ KHKT công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Khai thác, phát triển thị trường; hỗ trợ tích cực cho phát triển các sản phẩm nghề và làng nghề; tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; xúc tiến thương mại thông qua việc giới thiệu sản phẩm ở các kênh thông tin đại chúng. Huyện sẽ thúc đẩy để 3 chương trình trọng tâm tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới.
THẾ HÀ