Bọc keo composite cho tàu cá vỏ gỗ: Tăng độ an toàn cho tàu cá
Vài năm gần đây, nhiều ngư dân đã cho bọc lên vỏ gỗ tàu cá một lớp keo composite, nhằm giúp tàu thêm kín nước, đặc biệt tăng độ an toàn khi ra khơi.
Sau các chuyến biển, định kỳ 6 tháng/lần, tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 97173-TS của ngư dân Nguyễn Văn Trạng, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) phải đưa lên đà làm nước, cạo hà, hàu, xảm, sơn lại vỏ tàu, mỗi lần tốn 20 - 30 triệu đồng. Kết thúc chuyến biển vừa rồi, anh Trạng đưa tàu lên đà làm nước tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (phường Tam Quan Bắc) và quyết định chi hơn 30 triệu đồng bọc keo composite cho phần mê lườn (phần mớn nước) con tàu. “Tàu sử dụng đã lâu, nên tôi quyết định bọc keo để giữ bền thân tàu. Giờ tạm thời bọc chừng đó, có thêm tiền tôi sẽ bọc keo hết con tàu”, anh Trạng nói.
Thợ bọc keo composite cho tàu cá vỏ gỗ.
Trên các triền đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), đảo Bắc sông Hà Thanh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) những ngày qua, nhân nghỉ biển, nhiều người đã đưa tàu lên bọc keo composite cho phần vỏ gỗ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một thợ bọc keo tàu cá quê ở TP Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), đang tạm trú tại phường Tam Quan Bắc, cho hay: “Nhóm của tôi gồm 3 - 5 anh em làm chung. Điểm quan trọng nhất trong nghề này là kỹ thuật pha keo composite. Mình phải làm sao để keo vừa dán lên là khô. Keo khô nhanh quá thì không dán được, mà chậm quá thì kém chất lượng. Trước khi dán keo mình phải làm sạch bề mặt gỗ trên tàu, thật công kỷ chi tiết, kiểm tra từng ly từng tý rồi mới bọc keo. Giá bọc keo hiện dao động từ 350 - 420 nghìn đồng/m2”.
Còn anh Nguyễn Thanh Tuấn, một thợ bọc keo tàu cá có hơn 20 năm làm nghề, quê ở huyện Tân Trụ (tỉnh Long An), cho biết: “Trước tiên phải kéo tàu lên đà đợi vỏ tàu thật khô, không vội vàng được. Làm sạch bề mặt vỏ gỗ của tàu xong, thợ sẽ bao keo lót, đưa lớp sợi nhựa thủy tinh vào khe gỗ và cố định bằng các đinh đồng, rồi tiến hành bao keo. Tùy theo nhu cầu, chủ tàu chọn bọc 3 hay 4 lớp keo, dày từ 0,4 - 0,5 cm; bọc keo xong thật hoàn hảo mới đem sơn vỏ tàu. Tính từ lúc bắt đầu bọc keo cho đến khi bọc hoàn chỉnh, mỗi con tàu cần khoảng 7-15 ngày, tùy theo kích thước tàu”.
Ngư dân Huỳnh Chánh Thi, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn đã cho bọc keo toàn bộ 5 tàu cá vỏ gỗ của gia đình. Anh Thi bộc bạch: “Tàu vỏ gỗ sử dụng tầm 5 - 7 năm, muốn tăng độ an toàn, phòng chống nguy cơ bị phá nước, mình phải lưu ý gia cố những đường xảm, bởi chúng thường bị tróc, nhiều khi rất kín mà nếu mình không thực sự để ý, kiểm tra thì sẽ không biết được. Chính vì vậy tôi chọn giải pháp đầu tư hơn 500 triệu đồng, bọc keo toàn bộ thân tàu cho 5 tàu cá của mình. Tàu cá vỏ gỗ được bọc keo sẽ tăng tuổi thọ, tăng độ kín nước khi hoạt động trên biển, đặc biệt giúp người trên tàu vững tâm hơn”.
Như vậy, thay vì 6 - 8 tháng phải làm nước một lần thì tàu cá vỏ gỗ được bọc composite sau 2 - 3 năm mới phải lên đà làm nước. Tuy nhiên, không phải tàu cá vỏ gỗ nào cũng nên bọc keo composite. TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), khuyến cáo: Tàu cá vỏ gỗ hoạt động từ 5 - 8 năm bọc keo sẽ đạt hiệu quả tốt nhất, nhưng nếu cũ hơn nữa thì không nên. Trước khi bọc keo cho tàu cá, chủ tàu phải tháo các lớp hồ xảm cũ để xảm mới lại các đường mối ván trên vỏ tàu. Keo composite là chất liệu nhựa liên kết với gỗ bằng việc đưa các sợi thủy tinh dán lên bề mặt thân tàu và liên kết bằng đinh đồng, nên chủ tàu cũng phải thường xuyên giám sát quá trình thi công của thợ bọc keo, nhất là đối với các mối nối mặt ván gỗ phải làm kỹ lưỡng, tránh độ cong vênh mặt mí ván. Chủ tàu cũng nên chọn giải pháp bọc keo toàn bộ phần vỏ tàu thay vì chọn bọc một số phần để tăng hệ số an toàn cho con tàu.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN