Khi cử nhân làm… bồi bàn
Tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, ai cũng mong có một công việc như ý. Vậy nhưng, không phải con đường nào cũng rải đầy hoa hồng. Trong thời gian chưa tìm được việc làm, nhiều tân cử nhân phải chấp nhận làm chân sai vặt trong những hàng quán. Đó là những cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn.
Thất nghiệp, làm… “tiểu nhị”
Một đêm đầu tháng Chạp, Quy Nhơn lạnh cóng. Chúng tôi tạt vào quán H.A ở khu chợ đêm. Có lẽ cái lạnh riết róng khiến người ta ngại ra đường, ngồi ở quán xá giữa trời đêm càng ngại hơn. Thế nên, quán chỉ lèo tèo vài vị khách. Thấy anh phục vụ đứng co ro, chúng tôi mời làm vài ly cho ấm người. Sau thoáng ngần ngừ, anh cũng miễn cưỡng ngồi xuống. “Nguyên tắc của quán là dù có gặp khách quen, tôi cũng không được ngồi cùng. Nhưng hôm nay ít khách quá, chắc bà chủ cũng không căng ke lắm”, anh phân bua.
Ngồi chặp lâu, qua vài lượt thăm hỏi, anh mới chậm rãi kể về con đường dẫn đến “chợ đêm” này. Anh là Trương Lý Huỳnh, quê ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, là cựu sinh viên Trường ĐH Quang Trung. Đã gần 2 năm nay, với tấm bằng Tài chính ngân hàng loại khá trên tay, Huỳnh gõ cửa nhiều nơi mà vẫn chưa tìm thấy chút hy vọng nào. Gửi đi 15 bộ hồ sơ xin việc, anh chỉ nhận lại được duy nhất sự im lặng, nỗi thất vọng ngày càng dày thêm. Không thể “ăn không ngồi rồi” mãi, Huỳnh xin làm bồi bàn quán nhậu để kiếm sống qua ngày.
Cũng làm bồi bàn nhưng nơi làm việc của Nguyễn Xuân Hà (quê ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) có phần “oách” hơn. Đó là một nhà hàng khá lớn trên đường Phan Chu Trinh. Thời sinh viên, Hà vẫn ao ước khi ra trường sẽ được về quê dạy học. Nhưng rồi, hơn nửa năm sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn, cựu sinh viên văn khoa này vẫn chưa tìm được chút hy vọng nào với nghề giáo. Thế là, anh quay lại Quy Nhơn, kiếm sống bằng nghề “bồi bàn”, đỡ mối lo cho gia đình, phụ cha mẹ lo cho em gái.
Nguyễn Ngọc Thanh Hiền - em gái của Hà - cũng là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn. Ngoài giờ học, Hiền làm phục vụ ở một quán cà phê gần trường. “Nhiều đêm, thấy anh đi làm về mệt lả, nằm quên cả ăn, tôi lo lắm. Nhưng biết làm sao được, mới ra đời, được mấy người gặp may mắn, suôn sẻ”, Hiền tâm sự.
Trong số các nhân vật chúng tôi tiếp xúc để thực hiện bài viết này, người để lại nhiều ấn tượng nhất là Hà Văn Nhất, cựu sinh viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Quy Nhơn. Giữa năm 2012, cầm tấm bằng sư phạm loại khá, Nhất về quê - huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - xin việc. “Mỗi năm hồ sơ dự tuyển giáo viên của tỉnh cao chất chồng, mà chỉ tiêu chỉ lèo tèo vài người. Biết xin việc khó nên tôi đã chọn các trường dân lập để nộp hồ sơ, nhưng đến giờ vẫn chỉ biết chờ đợi trong vô vọng”, Nhất buồn bã chia sẻ.
Trong thời gian chờ cơ hội mới, Nhất trở lại Quy Nhơn, mở quán bán bánh mì trên đường Chương Dương. Nhìn Nhất khom lưng nướng bánh, rồi thoăn thoắt cắt xẻ, bỏ thịt chả vào bánh mì, tôi thấy trân quý vô cùng sự chịu thương chịu khó của chàng trai này.
Nhọc nhằn mưu sinh
Mấy tháng cuối cùng của đời sinh viên, những chi phí có tên và không tên “đội” lên vùn vụt, tôi cũng đã ra chợ đêm để xin làm “tiểu nhị”. Có lẽ vì cái tướng mỏng mảnh đến đáng thương của tôi mà cô chủ gật đầu ngay, sau vài câu “phỏng vấn”. Sau thời gian đầu còn ngại ngùng, tôi cũng bắt đầu cất giọng leo lẻo mời chào, níu kéo khách vào quán. Và, đôi khi cũng làm mặt ngầu, cắn răng mà “xắn tay áo”, lên giọng với những thằng phục vụ ở quán kế bên dám giành khách, hay để xe lấn qua “ranh giới”. Và, tôi cũng quen dần với những vị khách khó tính hay cằn nhằn, những người trong men say chẳng còn là “người”. Tôi cũng học được những thứ nhỏ nhặt, như khi trả tiền thừa cho khách phải đưa tận tay.
Quãng thời gian làm thêm ngắn ngủi đó thật sự ý nghĩa với tôi, giúp tôi nhận ra giá trị của những đồng tiền mà mình phải đánh đổi mồ hôi (đôi khi cả nước mắt) mới có được. Vậy nên, khi trò chuyện với Huỳnh, tôi dễ dàng được anh chia sẻ nỗi niềm. “Mỗi đêm phục vụ, chủ quán trả 70.000 đồng, nếu làm đủ tháng thì cũng được 2 triệu đồng, đủ tiền ăn và tiền thuê trọ. Nhiều lúc nản lắm, nhưng không có việc gì làm nên đành chấp nhận để sống qua ngày. Vả lại, đây cũng là môi trường để mình rèn tính, biết cách nhường nhịn, biết đâu sau này lại giúp ích cho mình”, Huỳnh nhỏ nhẹ nói.
16 giờ hằng ngày, Huỳnh bắt đầu vào làm với việc bày biện bàn ghế. Một người phục vụ ở quán bình dân như Huỳnh phải làm tất tần tật, từ đón khách, dắt xe đến bưng bê, rửa chén bát… Người đi đường phải quàng khăn, mang bao tay, vậy mà Huỳnh vẫn phong phanh ngồi rửa bát. Công việc của anh chỉ kết thúc khi kim đồng hồ đã nhích sang ngày mới.
Không phải làm thuê, không bị quát mắng, nhưng Hà Văn Nhất vẫn phải cố gắng cởi mở trong giao tiếp. Ai đó từng nói rằng: “Khi chưa có nụ cười thì không nên mở tiệm”. Nhất bảo, quán bánh mì thì dày đặc, dù bánh của mình có ngon thì cũng phải thật xởi lởi, khách mới trở đi trở lại nhiều lần.
5 giờ sáng, anh đã nổi lò, đến nửa đêm mới tắt bếp. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ăn uống, mỗi tháng Nhất tiết kiệm được 2 triệu đồng. “Đó là khoản thu nhập khá khẩm hơn rất nhiều so với những người phục vụ ở quán cà phê, quán nhậu”, Nhất chia sẻ.
Trong đêm, hơi sương lạnh của mùa Đông dường như làm nghẹn lời kể của Nhất. Vừa trò chuyện, vừa lụi cụi nướng bánh cho khách, Nhất thoáng chua chát: “Bạn bè cùng lớp, nhiều người đã có việc làm ổn định, có người đã lập gia đình, có vợ có con. Còn mình, gần hai chục năm cơm cha áo mẹ chữ thầy, giờ lại đứng bên đường bán bánh mì, nghĩ lại thấy xấu hổ vô cùng”.
Mong ngày mai tươi sáng
Cử nhân chạy bàn, thạc sĩ làm công nhân… không còn là việc gì đó quá lạ lẫm. Chênh lệch trong cán cân “cung - cầu” nhân lực vẫn là một thách thức lớn, một khi hoạt động đào tạo chưa thật sự hướng đến nhu cầu xã hội. Trong khi đó, những người chưa thể tìm được cho mình một công việc như ý vẫn chấp nhận làm những việc chân tay, kiếm sống nơi hàng quán xô bồ. Vậy nhưng, hy vọng về một ngày mai tươi sáng vẫn cháy bỏng trong họ.
Những lúc vắng khách, Nhất lại tranh thủ “lướt web”, tìm cơ hội việc làm. Không giới hạn ở nghề giáo, anh kiếm cả những việc liên quan đến ngành Lịch sử. Không chỉ ở Kon Tum, Bình Định, phạm vi tìm kiếm giờ lan ra nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nhất tâm sự: “Với tôi, quãng thời gian bán bánh mì là một thử thách thật sự. Tôi vẫn hay nghĩ về thời khắc mình được lên lớp, đứng trước học sinh, giảng giải về những mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Trong những giờ ngoại khóa, tôi sẽ nói chuyện với các em về những khó khăn mà mình đã trải qua, về những bài học mà “trường đời” đã dạy cho tôi”.
Những ngày cuối năm quán xá đông hơn, nhân viên phục vụ như Nguyễn Xuân Hà càng vất vả. Vậy nhưng, ngoài thời gian làm việc, anh vẫn không quên sách vở. Hà bảo rằng, sắp tới ở quê sẽ có đợt thi tuyển giáo viên. Phải ôn bài, soạn giáo án, để kiến thức không bị rơi rụng. “Từ thời học sinh, tôi đã khát khao có ngày được đứng trên bục giảng. Những ngày tháng học đại học, khát khao ấy càng lớn dần lên. Khổ thế này, chứ khổ nữa tôi cũng chịu được, vì tôi vẫn tin chắc rằng, rồi đây mình sẽ được thỏa ước nguyện”, Hà khẳng định chắc nịch.
Tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn với tấm bằng loại giỏi, Phan Thị Huế (ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn không tìm được việc làm. Huế đành làm nhân viên một quán cà phê trên đường Diên Hồng, TP Quy Nhơn. Được khoảng 2 tháng, Huế chuyển về Pleiku (Gia Lai) làm nhân viên bán quần áo. Giờ, cô lại làm nhân viên phục vụ ở một quán cà phê gần nhà.
PHAN NGUYÊN
Tỷ lệ người thất nghiệp, không làm đúng nghề ngày càng nhiều vì các Trường Đại học , cao đẳng, và dạy nghề quan tâm đến đầu ra của Trường còn việc tư vấn cho Học sinh sinh viên trang bị những kỹ năng cần thiết để tìm việc là không có. Trong khi đó, các báo cáo tổng kết hằng năm của Ngành Lao động thì cho răng" Các cấp, các ngành đã chú trọng hơn việc Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm nay tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn năm ngoái, người lao động đã có việc làm và thu nhập ổn định chiếm tỷ lệ cao". Vậy qua phản ánh của bài báo trên. Liệu có sự Tô Hồng trong các báo báo cuối năm?Tỷ lệ thất nghiệp và nhu cầu việc làm như thế nào mới là sự thật?