Nhu cầu tuyển dụng lao động ở TP Hồ Chí Minh tăng cao dịp cuối năm
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), thị trường lao động thành phố trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực kể cả khu vực chính thức và phi chính thức.
Sinh viên, học sinh và người lao động tham gia chương trình 'Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Đây là cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường, người lao động tìm việc, người lao động bị mất việc vì dịch Covid-19 và cả nhóm người dịch chuyển lao động trong giai đoạn hiện nay.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm, có khoảng 62.000-65.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh, thương mại; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ phục vụ; công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông; điện, điện tử, điện lạnh; dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm…
Trong số đó, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,26%, bao gồm: đại học chiếm tỷ lệ 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31% và sơ cấp chiếm 14,26%.
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thương mại, xuất nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp do nguồn tài chính khó khăn đã phải ngừng hoạt động hay hoạt động với công suất rất thấp, buộc phải cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động, cho lao động thôi việc hoặc chuyển đổi ngành, lĩnh vực hoạt động phù hợp với xu thế.
Tuy nhiên, việc kiểm soát được dịch Covid-19 trong nước, nhất là sau đợt bùng phát lần thứ hai, cho thấy những tín hiệu khả quan hơn khi nhiều doanh nghiệp từng bước phục hồi ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; các hoạt động xuất-nhập khẩu cũng đang được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế của thị trường trọng điểm như châu Âu (EU), Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã có nhiều phương án hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp như: đào tạo lại, giới thiệu học nghề, chuyển đổi nghề mới; tăng cường mở sàn giao dịch việc làm giúp người lao động tìm kiếm được việc làm mới.
Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên thành phố (Yescenter) cũng đã chủ động liên hệ và thường xuyên hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động tại 24 quận, huyện; thực hiện khảo sát nhu cầu trực tiếp cho lao động; hướng dẫn lao động tải app tìm việc tại nhà, tạo group giới thiệu việc làm cho lao động qua email, zalo, facebook và các kết nối tiện ích khác dưới hình thức trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên thành phố, trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp khu vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ đã lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ cho dịp lễ, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Những tín hiệu này cho thấy thị trường lao động thành phố đang có dấu hiệu dần phục hồi và tăng cao, nhất là các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải và các dịch vụ liên quan đến du lịch.
Ông Nguyễn Văn Sang cho biết hiện Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên thành phố tăng cường kết hợp với Đoàn thanh niên các quận huyện để hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động; phối hợp với 30 tỉnh thành trong cả nước để kết nối thông tin về việc làm, giới thiệu việc làm miễn phí cho lao động.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 28.586 lượt người và tạo ra 11.665 chỗ việc làm mới, nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm đạt hơn 253.300 lượt người và tạo ra hơn 115.500 chỗ việc làm mới.
Ngoài ra, có 392.771 lượt người được tư vấn việc làm, 94.131 lượt người được giới thiệu việc làm, 46.346 người được nhận việc làm; 149.795 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Theo Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)