Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đảm bảo lượng nước xả về hạ du không bao giờ quá lượng nước về hồ
Từ năm 2016 đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không phê duyệt các dự án thuỷ điện nhỏ nào có sử dụng đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Chiều 4.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2020, kế hoạch 2021. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu, giải trình thêm về việc xây dựng, vận hành các công trình thuỷ điện – vấn đề đang được nhiều ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm.
Bày tỏ chia sẻ về những mất mát thiệt hại do bão lũ thiên tai ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 thuỷ điện, chiếm 36,7% tổng công suất phát điện, là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, ít gây ô nhiễm, gần như không phát thải. Tuy nhiên, thuỷ điện có cả mặt tích cực và hạn chế. Đặc biệt, với tổng dung tích 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước, việc quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ điện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tích nước và tuỳ công suất có thể cắt lũ và phục vụ nhu cầu khác. Mặt khác, việc xây dựng các thuỷ điện có thể tác động đến dòng chảy, kết cấu địa chất, nguồn lợi thuỷ sản và trước đây cũng có liên quan đến tình trạng mất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão. Tuy nhiên, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không phê duyệt các dự án thuỷ điện nhỏ nào có sử dụng đất rừng tự nhiên.
Hiện đã có đầy đủ quy định quản lý Nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ, trong đó, quy định trách nhiệm rất rõ của các bộ ngành, địa phương. Thừa nhận nguy cơ thuỷ điện xả lũ quá mức nước về hồ có thể gây thiệt hại, như trường hợp đã xảy ra với Thuỷ điện Hố Hô năm 2016 (và sau đó đã bị xử lý rất kiên quyết), song vị Bộ trưởng cho hay: “Vừa qua đã đảm bảo giám sát chặt chẽ quy trình vận hành của thuỷ điện, đảm bảo lượng nước xả về hạ du không bao giờ quá lượng nước về hồ. Bản đồ ngập lụt của vùng hạ du là một căn cứ quan trọng để chủ dự án thuỷ điện thực hiện quy trình vận hành hồ”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đã đi thực tế tại các địa phương bị thiên tai vừa qua như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc sạt lở đất gây tác hại nghiêm trọng là do yếu tố thời tiết, cụ thể là lượng mưa rất lớn chứ không liên quan đến vận hành của các nhà máy thuỷ điện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, những ảnh hưởng môi trường trong hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh của các dự án thuỷ điện sẽ tiếp tục được đánh giá kỹ lưỡng hơn. Bộ sẽ làm việc với địa phương để tham mưu siết chặt quản lý thuỷ điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)