Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng đảm bảo cho nghề cá
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 4.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia...
ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng, để phát triển nghề cá bền vững, bên cạnh phát triển đội tàu và bồi dưỡng nguồn nhân lực, rất cần đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ quan tâm đến phát triển của ngành khai thác thủy sản gắn liền với an toàn cho ngư dân. Cụ thể, để phát triển nghề cá bền vững, bên cạnh phát triển đội tàu và bồi dưỡng nguồn nhân lực, rất cần đầu tư hạ tầng đồng bộ. Thực trạng hạ tầng đảm bảo cho nghề cá hiện nay ở các tỉnh miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng còn nhiều khó khăn. Các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão ở Bình Định đã quá tải, tàu nhỏ có thể vào thuận lợi, nhưng những tàu lớn ra vào rất khó. Thực tế đã có tình trạng tàu vào tránh trú không có chỗ neo đậu, bị chìm tàu, chết người.
“Qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, các lãnh đạo Trung ương đều nhất trí phải đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu, nhưng vẫn gặp khó về kinh phí. Đề nghị Chính phủ rà soát, ưu tiên đầu tư hạ tầng nghề cá; trước mắt là nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cụ thể ở Bình Định là cảng cá Tam Quan và Đề Gi”, ĐB Hạnh nói.
Bên cạnh đó, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước khi quyết định việc phân loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế cần hết sức cân nhắc, thận trọng. Việc trồng rừng thay thế phải thực chất, không chỉ thay thế về diện tích, độ bao phủ mà phải chọn cây, chọn giống, chọn và bảo tồn gen, đảm bảo chức năng phòng hộ.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Hạnh kiến nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn tỷ lệ các loại rừng trong tỷ lệ rừng che phủ chung. Đồng thời, xem xét việc trồng rừng kinh tế và trồng thay thế cho phù hợp; thận trọng và hạn chế tối đa chuyển đổi rừng nghèo, quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm việc chiếm dụng rừng tự nhiên.
Về an toàn hồ đập, theo ĐB Hạnh, các tỉnh miền Trung có địa hình dốc, là cái phễu hứng trọn nắng nóng, hạn hán, mưa lũ. Các hồ đập ở miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Bên cạnh yếu tố địa hình, thổ nhưỡng, lý do quan trọng là thời điểm xây dựng cách đây đã rất lâu, nhiều hồ, đập có từ thời bao cấp. “Chính phủ cần quan tâm đầu tư, nâng cấp các hồ, đập, không để chúng trở thành “quả bom nước” đe dọa trực tiếp đến sinh kế, tính mạng của người dân”, ĐB Hạnh nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG