Ươm “hạt giống” ngành Vật lý năng lượng cao
Không chỉ tạo lập môi trường nghiên cứu khoa học chuẩn quốc tế, Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) còn là nơi thu hút, hội tụ nguồn lực trí tuệ ươm những “hạt giống khoa học” cho ngành Vật lý năng lượng cao Việt Nam.
Nằm tại số 7 Đại lộ Khoa học (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), IFIRSE là viện nghiên cứu cơ bản tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, trực thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). IFIRSE thành lập trên ý tưởng của giáo sư người Mỹ - Jerome Friedman (Nobel Vật lý 1990), với mục tiêu làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong lĩnh vực khoa học và thu hút nhà khoa học trẻ của Việt Nam lẫn quốc tế về làm việc. Hiện, Viện có 2 nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết và Vật lý hạt cơ bản neutrino, với 4 nghiên cứu viên và 1 nghiên cứu sinh.
Nhóm Vật lý neutrino của Việt Nam tham gia nghiên cứu tại Trung tâm điều hành thí nghiệm T2K của Nhật Bản.
Chất lượng chuẩn quốc tế
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE cho biết, IFIRSE hoạt động theo mô hình các viện nghiên cứu trên thế giới. Cơ sở vật chất của Viện bước đầu còn thiếu thốn, nhưng Viện đã trang bị được một phòng thí nghiệm Vật lý neutrino nằm trong khuôn viên ICISE, với nhiều thiết bị hiện đại do các nhà khoa học Nhật Bản hỗ trợ. Nghiên cứu sinh và sinh viên có thể thực hiện một số thí nghiệm nhỏ về neutrino như nghiên cứu sensor ánh sáng yếu, vật liệu phát quang, đo tia vũ trụ.
“IFRISE cũng là viện nghiên cứu cơ bản duy nhất ở Việt Nam trả lương, hỗ trợ chi phí đi lại và bố trí chỗ ở cho nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, sinh viên thực tập ngắn hạn. Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ một phần chi phí để các học viên chuyên tâm công tác nghiên cứu”.
TS TRẦN THANH SƠN, Phó Giám đốc ICISE
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu neutrino của IFIRSE là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự thí nghiệm quốc tế T2K về hạt neutrino tại Nhật Bản từ năm 2017. “Tôi rất tự hào khi nhìn thấy lá cờ Việt Nam tung bay bên cạnh 11 quốc gia khác tại một dự án quốc tế lớn như vậy. Điều này khẳng định những nỗ lực đầu tư của GS Trần Thanh Vân cùng các cộng sự của ông đang đơm hoa kết trái. Đây là cơ hội để ngành Vật lý nước nhà hòa nhập cộng đồng Vật lý thế giới lĩnh vực nghiên cứu hạt neutrino”, anh Trần Văn Ngọc (SN 1987, nghiên cứu viên tại IFIRSE) chia sẻ.
Bên cạnh nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh thường trực, từ năm 2016 đến nay, IFIRSE còn tài trợ và tiếp nhận 10 sinh viên ngành Vật lý của ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Quy Nhơn đến thực tập khoa học. Sinh viên được hướng dẫn thực hiện các nghiên cứu theo chuyên ngành, tập trung vào phân tích số liệu thực nghiệm và tham gia mô hình mô phỏng thí nghiệm; rèn luyện những kỹ năng cơ bản về thuyết trình, viết bài kế hoạch, báo cáo hội thảo. Sau thực tập, nhiều sinh viên đã được nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ toàn phần tại các trường ĐH danh tiếng ở các nước Pháp, Đức, Anh, Italia…
IFIRSE còn mời các nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ của Việt Nam và nước ngoài đến nghiên cứu ngắn hạn tại Viện. Với những nỗ lực đó, liên tục từ năm 2017 đến nay, IFIRSE được Nature Index - một tổ chức xếp hạng rất uy tín trên thế giới đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên, xếp thứ 5 trong 10 cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu tại Việt Nam.
Sinh viên Nguyễn Hoàng Duy Thành (tốt nghiệp ĐH Paris, Pháp) thực hiện thí nghiệm đo tia vũ trụ tại phòng thí nghiệm Vật lý neutrino (IFIRSE).
Thu hút khoa học trẻ trong và ngoài nước
Hơn 10 năm làm việc ở Pháp và Đức với chuyên ngành vật lý lý thuyết, TS Lê Đức Ninh (SN 1981) cho rằng, quyết định trở về, làm nghiên cứu tại IFIRSE có thể giúp anh thực hiện ước muốn được cống hiến cho quê hương. Hiện, anh là trưởng nhóm vật lý lý thuyết tại IFIRSE. “Nhóm đang nghiên cứu đề tài về tìm kiếm vật lý mới ở vùng năng lượng cao. Với điều kiện ở đây, chúng tôi có thể thực hiện được đề tài, cũng là đóng góp một phần công sức để phát triển ngành Vật lý tại Quy Nhơn”, anh tâm sự.
Không những quan tâm thu hút sinh viên ưu tú của các trường ĐH uy tín trong và ngoài nước vào nghiên cứu, IFIRSE cũng đang kết nối, thu hút nguồn lực chất xám từ cộng đồng các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài về đây làm việc.
“Mong muốn của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE là trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ có một nhóm nghiên cứu neutrino hoạt động độc lập, bao gồm các nhà khoa học vật lý cả trong và ngoài nước, tham gia vào các thí nghiệm lớn trên thế giới trong lĩnh vực này”, TS Trần Thanh Sơn cho biết thêm.
HỒNG HÀ