THỰC HIỆN CÔNG NGHỆ HÓA HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ:
Ðảm bảo chính xác trong xét xử
Số hóa hồ sơ vụ án là bước đổi mới trong công tác phối hợp xét xử giữa ngành KSND và TAND. Những phiên tòa sử dụng hồ sơ bản án được “số hóa” và chứng cứ “điện tử” đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu và bảo đảm tính chính xác trong xét xử.
Tại phiên tòa được số hóa hồ sơ, kiểm sát viên vừa tranh tụng vừa chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo bằng cách trình chiếu, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh trước Hội đồng xét xử để làm rõ các nội dung, sự thật khách quan của vụ án.
Quang cảnh một phiên tòa số hóa.
Rõ ràng chứng cứ buộc tội
Mới đây, Viện KSND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với TAND huyện tổ chức phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Lê Trọng Cường phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Tại phiên tòa, các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh được trình chiếu trên màn hình phục vụ cho việc công bố cáo trạng, xét hỏi, trình bày bản luận tội của kiểm sát viên; thể hiện rõ sự khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ, tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong giải quyết vụ án. Chính nhờ những tài liệu, chứng cứ rõ ràng nên bị cáo và cả nạn nhân đều thừa nhận toàn bộ sự việc.
Hay như trước đó, Viện KSND TP Quy Nhơn phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa số hóa xét xử bị cáo Bùi Vũ Bảo cùng đồng bọn phạm tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là vụ án mà bị cáo không chịu nhận tội và tự dựng lên 1 đối tượng khác không có thực để đổ tội. Song kiểm sát viên đã vừa tranh tụng vừa chứng minh bằng cách trình chiếu, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh trước Hội đồng xét xử, các bị cáo và những người theo dõi phiên tòa. Qua đó, đã làm rõ các nội dung, sự thật khách quan của vụ án. Chứng cứ thể hiện rõ, trong vụ án này chỉ có 3 bị cáo cùng bàn bạc và thực hiện hành vi. Tại phiên tòa, ngay phần luận tội, kiểm sát viên đồng thời cho chiếu những tình tiết, nội dung, căn cứ pháp lý quan trọng để chứng minh bị cáo có tội. Trước các tài liệu, chứng cứ được công bố bằng hình ảnh, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Kiểm sát viên Phan Tiến Lực, Viện KSND TP Quy Nhơn, người giữ quyền công tố tại phiên tòa, chia sẻ: “Để xét xử 1 phiên tòa số hóa đòi hỏi kiểm sát viên không chỉ nghiên cứu kỹ hồ sơ mà phải lựa chọn những tài liệu, chứng cứ cần phải số hóa để phục vụ việc tranh tụng tại tòa. Trong quá trình thu thập tài liệu của vụ án này, chúng tôi đã có được những tài liệu cụ thể chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo, do đó các bị cáo khó mà chối tội”.
Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Nhằm phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa của kiểm sát viên, từ cuối năm 2019, ngành KSND tỉnh đã triển khai xét xử theo hình thức số hóa hồ sơ vụ án. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa hồ sơ đang là yêu cầu quan trọng của quá trình cải cách tư pháp. Viện Trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết: “Việc áp dụng hình thức số hóa tuy phức tạp hơn, đòi hỏi sự chủ động từ đầu, song tại các phiên tòa số hóa thời gian qua, đã phản ánh đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo gây ra. Qua đó, giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình đối đáp, tranh luận, đưa ra các quan điểm chính xác và có tính thuyết phục cao khi thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. Từ đó, giúp hội đồng xét xử đưa ra những bản án đúng người, đúng tội, có sức thuyết phục cao”.
Bên cạnh đó, việc áp dụng số hóa hồ sơ vụ án sẽ không phải in ấn, chuyển hóa các chứng cứ điện tử thành giấy tờ, tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ, tiết kiệm diện tích và chi phí lưu trữ. Đồng thời, việc số hóa hồ sơ còn giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn. “Việc trình chiếu công khai các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa không chỉ buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội mà còn giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm sát viên. Áp dụng số hóa vụ án, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa cũng giúp việc tranh luận trong phiên tòa dân chủ, khách quan, việc xét xử được công khai, minh bạch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với tòa án cùng cấp triển khai nhiều hơn nữa các phiên tòa số hóa”, ông Sang khẳng định.
KIỀU ANH