Nâng cấp hệ thống các cảng cá: Đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá, nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã liên tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các cảng cá. Trong bối cảnh phát triển mới, nghề cá cần hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, đầu tư tốt hơn; phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, về vấn đề này.
● Mặc dù đã được nâng cấp trong những năm qua, song thực tế mà nói hạ tầng các cảng cá trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá của tỉnh, thưa ông?
- Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bình Định có 3 cảng cá lớn, gồm: Cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) là cảng cá loại I; cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn - cảng cá ngừ chuyên dụng) là cảng cá loại II, và 2 khu neo đậu cấp vùng là Tam Quan, đầm Đề Gi. Dù đã được quy hoạch, đầu tư song thực tế, hạ tầng các cảng cá trong tỉnh vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nghề cá. Cũng phải nói thêm là với gần 3.200 chiếc, đội tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh ta phát triển quá nhanh, ngoài dự liệu.
Lấy ví dụ là cảng cá Tam Quan. Cảng cá này có sức chứa tối đa khoảng 1.200 tàu, nhưng chỉ riêng số lượng tàu cá của TX Hoài Nhơn đã lên đến 2.400 tàu. Không chỉ cảng quá tải mà luồng lạch cũng mau bị bồi lấp hơn. Trong khi đó, do chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ nên vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Thực trạng này cũng diễn ra tại cảng cá Quy Nhơn và Đề Gi, nhưng cơ bản 2 cảng cá này có cơ sở hạ tầng ổn hơn cảng cá Tam Quan vì trong giai đoạn từ năm 2012 - 2018 cả hai đã được nâng cấp, mở rộng và xây dựng thêm một số hạng mục.
● Theo ông, như vậy cần phải tính toán, quy hoạch lại hệ thống các cảng cá…
- Rõ ràng phải như vậy! Muốn phát triển nghề cá bền vững, không phải chỉ phát triển đội tàu mà còn phải đầu tư đồng bộ hạ tầng các cảng cá phục vụ đội tàu ấy. Nhưng để đầu tư, ta gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí.
Trước mắt, ưu tiên quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho cảng cá Tam Quan và khu neo đậu trú tránh bão Tam Quan, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cảng cá Tam Quan vào tháng 4.2018 và điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 vào cuối năm 2019 để triển khai xây dựng hạ tầng. Hiện tại, dự án kè chống sạt lở kết hợp bến cập tàu cảng cá Tam Quan (giai đoạn 1) với chiều dài 293 m đang được thi công.
● Về lâu dài, hệ thống các cảng cá trong tỉnh sẽ được đầu tư ra sao, thưa ông?
- UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá kết hợp đưa cảng cá Tam Quan từ cảng cá loại II qua nhóm cảng cá loại I và đề xuất cho Bình Định vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng cảng cá Tam Quan, nhằm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cảng để đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I, hình thành 11 khu dịch vụ hậu cần nghề cá tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế biển khu vực Hoài Nhơn và tỉnh Bình Định; cải tạo, mở rộng khu vực neo đậu tàu cá cấp vùng có sức chứa trên 2.000 tàu cá (công suất từ 400 - 1.000 CV) của Bình Định và khu vực miền Trung neo đậu trú tránh bão; hỗ trợ năng lực quản lý cho việc xây dựng và phát triển chuỗi cá ngừ đại dương Bình Định.
Tàu cá của ngư dân trong tỉnh cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm và lấy tổn.
Đối với khu neo đậu đầm Đề Gi, tháng 8.2020, Bộ NN&PTNT cũng đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án Khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá đầm Đề Gi, với mục tiêu xây dựng khu neo đậu trú tránh bão đạt quy mô cấp vùng với sức chứa 2.000 tàu công suất từ 300 - 1.000 CV, kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Trong tương lai, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão khi được đầu tư hạ tầng đồng bộ sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá, nâng cao năng lực quản lý và phòng chống thiên tai tại Bình Định.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)