Ðiều chỉnh quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở
Ngày 3.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo nghị quyết của HÐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về một số quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố.
Từ các trao đổi, ý kiến phản biện cho thấy: Cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để quy định số lượng, chế độ chính sách, mức khoán kinh phí hoạt động MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.
Quy định số lượng, chức danh cho từng loại xã
Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về một số quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố sẽ thay thế Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND và Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long cho biết: “Các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên ghi nhận những kiến nghị liên quan đến lực lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố. Đây là lý do để Sở Nội vụ khẩn trương soạn thảo văn bản, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Các ý kiến tham gia của các vị tại Hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức sẽ góp phần hoàn thiện văn bản hơn nữa”.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo về một số quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố.
Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về một số quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố có thêm nhiều điểm mới. Đầu tiên là số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ có sự khác biệt giữa xã loại I, loại II, loại III. Trước đó, tại Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND và Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND, không có sự phân loại này.
Cụ thể, đơn vị hành chính cấp xã loại I sẽ bố trí tối đa 13 người; xã loại II bố trí tối đa 12 người; riêng xã loại III tối đa là 10 người. Đặc biệt, dự thảo quy định đưa thêm chức danh văn phòng đảng ủy; thực hiện bố trí người hoạt động không chuyên trách đối với chức danh này tại xã loại I, loại II; bố trí kiêm nhiệm tại xã loại III. Đối với chức danh phó chỉ huy trưởng ban CHQS xã, cho phép bố trí tối đa 2 người hoạt động không chuyên trách đối với xã loại I.
Đối với cấp thôn, khu phố, dự thảo quy định không quá 3 người hoạt động không chuyên trách được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn/khu phố, trưởng ban công tác mặt trận. Đồng thời, có phân loại mức phụ cấp hằng tháng đối với các chức danh này theo quy mô khu dân cư. Cụ thể, mức phụ cấp đối với bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu phố sẽ nâng từ 0,7 lên 1,3 đối với người hoạt động không chuyên trách tại thôn có 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về ANTT theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thôn thuộc xã hải đảo; nâng từ 0,7 lên hệ số 1,0 đối với các thôn còn lại. Tương tự, phụ cấp đối với trưởng ban công tác mặt trận thôn, khu phố sẽ tăng từ 0,6 lên 1,2 và 0,9.
Đề xuất tăng mức khoán chi phí hoạt động
Ông Nguyễn Xuân An và bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: Việc bố trí kiêm nhiệm đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách nông - lâm - ngư nghiệp ở xã loại III là chưa phù hợp và sẽ không phát huy được hiệu quả của công tác này; cần bố trí người hoạt động như quy định cho xã loại I, II. Nên quy định thống nhất số lượng người hoạt động không chuyên trách với chức danh phó chỉ huy trưởng ban CHQS ở xã loại I. Đối với quy định khu dân cư có 350 hộ, nên hiểu như thế nào cho chính xác, phù hợp với thực tiễn, bởi nhiều khu dân cư, số nóc nhà chưa lên đến con số này nhưng số hộ lại lớn hơn nhiều.
Đại biểu đề xuất cần cụ thể hóa hệ số mức khoán kinh phí hoạt động của từng tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX An Nhơn, quan tâm đến Điều 6, quy định khoán chi phí hoạt động đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã là 35 triệu đồng. Ông phân tích: “Mức khoán này vẫn chưa hợp lý. Bởi, mức khoán này bao gồm kinh phí cấp cho trưởng ban thanh tra nhân dân, chủ tịch hội LHTN với mức 300 nghìn đồng/người/tháng; bình quân khoảng hơn 5 triệu đồng/đơn vị (gồm: ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đoàn thanh niên, hội LHPN, hội nông dân, hội CCB). Con số này là quá ít, khó để hoạt động trong năm”.
Cũng quan tâm đến nội dung này, một đại biểu của MTTQ huyện Tuy Phước cho rằng: Cần cụ thể hóa hệ số mức khoán kinh phí hoạt động của từng tổ chức chính trị - xã hội. Trong khi đó, đối với quy định “kinh phí thực hiện bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, khu phố được trích từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể từ các nguồn quỹ khác”, đại diện các tổ chức hội, đoàn thể cho rằng chưa phù hợp và trái với điều lệ hội.
Một thành viên Hội đồng tư vấn Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đặt vấn đề cần hướng đến việc trả phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố theo trình độ đào tạo, sau 3 năm thực hiện tăng hệ số phụ cấp 1 lần nhằm tạo động lực, sự gắn bó lâu dài trong lực lượng người làm công tác ở cơ sở. Có đại biểu đề xuất quan tâm lực lượng người làm công tác trẻ em, người cao tuổi... nhằm nâng cao chất lượng của các công tác đặc thù trong thực tiễn.
NGUYỄN MUỘI