Ông Yang Danh, đảng viên Chi bộ khu phố Ðịnh An, thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh):
Cần quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số
Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi nhận thấy Đảng ta đã đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan về những thuận lợi cũng như khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong nhiệm kỳ qua; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm đến và tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
Có thể nói, dự thảo các văn kiện đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, then chốt, liên quan đến vận mệnh, tiền đồ phát triển của đất nước, của dân tộc. Điều đó một lần nữa khẳng định chân lý: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của toàn dân tộc. Toàn bộ dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã toát lên tinh thần cao đẹp đó.
Ông Yang Danh
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Hiện nay, làn sóng của văn hóa ngoại lai đang hằng ngày, hằng giờ thâm nhập vào nước ta, làm cho văn hóa truyền thống địa phương dần dần bị thu hẹp, bị áp đảo, nguy cơ mai một, mất bản sắc riêng. Tôi lấy ví dụ như tại huyện Vĩnh Thạnh, thấy rõ nét nhất là một số thanh niên người dân tộc thiểu số Bana không còn cảm thấy tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha mình để lại. Nhiều thanh niên hiện nay không biết đánh cồng chiêng, hát dân ca và chơi các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, Đảng cần tiếp tục quan tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Để công tác bảo tồn hiệu quả thì Đảng cần có định hướng đúng, có chiến lược và kế hoạch hành động phù hợp, hiệu quả. Quan tâm để có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn văn hóa và các nghệ nhân văn hóa. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số với các chương trình phát triển KT-XH, chương trình xây dựng nông thôn mới. Có chính sách khuyến khích nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, khôi phục làng nghề truyền thống. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng sâu, vùng xa để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng…
N. QUÝ (ghi)