Trong sáng văn nghệ học đường
Văn nghệ học đường là hình thức để học sinh phổ thông thể hiện tài năng, giải trí bằng lời ca, điệu múa trong sáng, ý nghĩa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, văn nghệ học đường dần mất đi nét trong sáng, thay vào đó là những tiết mục bị “người lớn hóa”. Ngoài biểu diễn ca khúc không phù hợp với lứa tuổi, nhiều tiết mục còn có trang phục, điệu nhảy cũng phản cảm... Ở nhiều cuộc thi, liên hoan, văn nghệ chào mừng do các trường phổ thông tổ chức, một số tiết mục “đốt mắt” người xem bằng trang phục khó thể hở hơn và nhiều động tác cũng khiến người xem “nóng mặt”.
Chuyện học sinh biểu diễn tiết mục không phù hợp là điều không nên nhưng đáng nói hơn, để những tiết mục như vậy lên sân khấu, cả người duyệt tiết mục cũng không vô can nếu không muốn nói là phải chịu trách nhiệm chính. Trước khi chương trình chính thức diễn ra, chắc chắn đều có tổng duyệt hoặc thử sân khấu. Do vậy, không thể nói không biết có những tiết mục phản cảm. Rõ ràng bộ phận duyệt chương trình văn nghệ, ban tổ chức nên có định hướng nội dung ngay từ đầu. Những tiết mục không phù hợp nên được góp ý để các em điều chỉnh hoặc không được biểu diễn, kể cả ở sự kiện nội bộ trường.
Một số người cho rằng nếu không có những tiết mục như thế thì sân khấu không sôi động. Thật ra không phải vậy, do liên quan đến công việc, người viết có nhiều dịp xem và thấy nhiều tiết mục rất hấp dẫn, sôi động và vẫn tôn lên vẻ đẹp của quê hương đất nước, lịch sử Việt Nam; trang phục và vũ điệu của tiết mục vẫn đẹp, hiện đại, tươi trẻ, thể hiện nét đẹp của tuổi học trò. Hoàn toàn có thể dàn dựng những tiết mục trẻ trung, hấp dẫn và đúng lứa tuổi, môi trường nếu các em được định hướng tốt.
THẢO YÊN