Hoài Ân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư: Những bông hoa đẹp tỏa hương
Qua 20 năm (2000 - 2020) thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với xây dựng người tốt, việc tốt, đến nay, nhiều xã, thị trấn ở huyện Hoài Ân đã làm tốt công tác xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần cho người dân.
Tiêu biểu là hộ ông Phạm Đình Độ, ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ. Từ kinh tế khó khăn, nhờ mạnh dạn cải tạo đất gò, đồi trồng 2 ha quýt và cam, hơn 4 ha bưởi da xanh, 5.000 m2 bơ sáp, đến năm 2019, gia đình ông Độ thu lãi ròng trên 230 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Oanh và vườn chè của gia đình ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.
Trong khi đó, hộ ông Nguyễn Hữu Oanh, ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây được biết đến là gia đình có công rất lớn trong việc giữ thương hiệu chè Gò Loi. Hiện nay, ông Oanh đang trồng 1 ha chè, kết hợp với 1,5 ha cây keo lai và nuôi gà thả vườn, mỗi năm có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Riêng năm 2019, gia đình ông đạt mức lãi lên đến 375 triệu đồng.
Ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng VH&TT huyện Hoài Ân, cho biết: “Nhờ sản xuất kinh doanh giỏi, mức sống cao lên, dần dần các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi, neo đơn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ… ở huyện Hoài Ân cũng phát triển mạnh, tạo sự lan tỏa, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã thu hút hàng vạn tình nguyện viên, người dân tham gia hiến máu là một điển hình. Tiêu biểu trong hoạt động này có anh Dương Xuân Hiệp, ở thôn An Hòa, xã Ân Phong với 35 lần hiến máu; anh Phùng Tiến Cảm, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Ân Hảo Đông với 25 lần hiến máu”.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền vận động, mỗi hộ gia đình, thôn, khu phố, cơ quan đều ý thức được trách nhiệm với cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi công cộng; bảo vệ cây xanh và khuyến khích mọi nhà, mọi cơ quan trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa, cây cảnh, xây dựng cảnh quan môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, xây dựng các công trình vệ sinh, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Đến nay, toàn huyện có hơn 98% nhà ở kiên cố; số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh chiếm hơn 95%...
Ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, đánh giá: Xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện luôn coi việc xây dựng gia đình văn hóa là trung tâm. Từ việc thực hiện tốt những nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, hằng năm số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đạt chuẩn gia đình văn hóa luôn đạt tỷ lệ cao. Năm 2000, toàn huyện có 13.225 hộ đạt gia đình văn hóa. Đến năm 2019, có 22.414 hộ đạt gia đình văn hóa. Những gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc có thể kể đến như: Cao Thành Thái (thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín), Bùi Thị Thu Thắm (thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông), Giang Trung (thôn Khoa Trường, xã Ân Đức), Nguyễn Văn Xuân (khu phố Gò Cau, thị trấn Tăng Bạt Hổ), Đinh Văn Nhang (thôn T2, xã Bok Tới)…
Các gia đình văn hóa trên là những điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Hoài Ân phát triển qua từng năm. Kết quả này đã tác động, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, huy động các nguồn lực phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng cộng đồng khu dân cư trên địa bàn huyện Hoài Ân.
AN NHIÊN