Ðảm bảo an toàn tính mạng, tài sản ngư dân trên biển
Từ giữa tháng 10 đến nay, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp với Hội CTÐ tỉnh tổ chức chương trình tập huấn, tuyên truyền các quy định về đảm bảo an toàn tàu cá, tính mạng ngư dân, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới hoặc mưa bão.
Trang bị đầy đủ hệ thống phao trên tàu
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, mỗi chuyến biển, tất cả tàu thuyền đều được kiểm tra việc mang đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá theo quy định, trong đó có phao bè, phao tròn và phao cá nhân (áo phao). Theo quy định, thuyền trưởng cùng tất cả thuyền viên phải mặc áo phao khi đi đánh bắt. “Việc này rất cần thiết với ngư dân đi đánh bắt trong mùa mưa bão. Hệ thống phao giúp tàu tăng khả năng ứng phó với mưa bão. Trong trường hợp không may ngư dân bị sóng gió phủ qua, cuốn rơi xuống biển thì vẫn có thể nổi chờ được cứu mà không phải mất nhiều sức”, ông Vinh nói.
Những bộ áo phao cứu sinh đa năng sẽ giúp ngư dân bị rơi xuống biển sống sót vài ngày trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Thời gian qua, nhiều chủ phương tiện và ngư dân được hỗ trợ áo phao từ nhiều kênh tài trợ. Ngoài số áo phao thông thường, từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng 1.700 bộ áo phao cứu sinh đa năng cho ngư dân đánh bắt xa bờ trong tỉnh. Bộ áo phao đa năng có nhiều công dụng, giúp ngư dân sống sót một vài ngày khi rớt xuống biển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trong đó có cả dụng cụ phát tín hiệu cứu hộ.
TS Trần Văn Vinh khẳng định, Chi cục luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra trang thiết bị an toàn tàu cá rồi mới cho tàu ra khơi. Bộ phận thanh tra của Chi cục cũng tích cực, tăng cường kiểm tra; vậy nên toàn bộ tàu ra khơi đều trang bị hệ thống phao đầy đủ. Vấn đề còn lại là ý thức ngư dân trong việc sử dụng áo phao, kỹ năng xử lý hiệu quả hệ thống phao, nhất là khi trời mưa bão.
Nâng cao ý thức, không chủ quan
Trên thực tế, vẫn đang có không ít ngư dân thiếu quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi đi đánh bắt trên biển. Một số người cảm thấy vướng víu khi mặc áo phao làm việc; số khác khá “nhạy cảm” khi nghĩ việc mặc áo phao vào giống như “chờ rước” tai họa đến. Không ít tàu thuyền sau khi qua khâu kiểm tra đã dồn áo phao xuống hầm hoặc để ở những vị trí không thuận lợi cho gọn tàu; trong trường hợp tàu có sự cố, thuyền viên lấy mặc không kịp.
Trao đổi với ngư dân trong khuôn khổ lớp tập huấn an toàn khi đánh bắt trên biển, các báo cáo viên nhắc ngư dân phải nỗ lực cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt phải dự lường những sự cố xấu nhất và cách phòng, tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Một ví dụ rất đơn giản như việc đóng nắp hầm trên tàu trở nên hết sức “sống còn” trong điều kiện có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, biển có sóng lớn từ 3 - 5 m phủ từ trên cao xuống tàu, nếu nắp hầm bật ra thì toàn bộ nước sẽ lọt vào các hầm tàu, chảy vào hầm máy, làm ngập buồng máy, gây ra tắt máy.
Việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản còn gắn chặt với việc đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc. Hệ thống dự báo thời tiết hiện tại khá chính xác, ngư dân cần thường xuyên theo dõi, tiếp thu và xử lý sớm, tránh lơ là, chủ quan. Khi nghe những thông tin liên quan đến bão - cả bão gần, bão xa, thuyền trưởng phải có trách nhiệm thông báo với tất cả thuyền viên trên tàu để sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trong khu vực đánh bắt của mình.
Phó Chi cục trưởng Trần Văn Vinh bày tỏ mong muốn, trong những lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng sắp tới, ban tổ chức chú trọng đến việc trao đổi, chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống bão hiệu quả, hiện đại; giúp thuyền trưởng xác định được tàu của mình đang nằm ở đâu trong bão, cách điều khiển tàu tránh bão, an toàn trong bão.
NGỌC TÚ