Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở các xã miền núi
Do ảnh hưởng trực tiếp hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 10 kết hợp với không khí lạnh nên một số địa phương có mưa rất to trong đêm 5 và sáng 6.11. Ðiều này đã gây thiệt hại nặng cho các xã miền núi ở huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão.
Nhiều ngôi nhà dân ở xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TIẾN SỸ
Lượng mưa rất lớn từ 19 giờ ngày 5.11 đến 4 giờ ngày 6.11 tại huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão, TX Hoài Nhơn. Trong đó, tại 2 xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, lượng mưa đo được từ 218 - 234 mm; tại xã An Hòa, huyện An Lão là 228 mm và xã Bok Tới, huyện Hoài Ân 237 mm. Trong thời gian ngắn, lượng mưa rất lớn cộng với nước từ đầu nguồn đổ dồn xuống vùng hạ du, khiến cho mực nước các con sông dâng cao và xuất hiện lũ…
Sạt lở, ngập úng, chia cắt nhiều nơi
“Các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã bám sát địa bàn được phân công cùng với chính quyền địa phương, huy động lực lượng, phương tiện di dời các hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn. Tuy vậy, mưa lớn, nước lũ lên nhanh đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân”.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân NGUYỄN HỮU KHÚC
Lượng mưa lớn từ đêm 5 và sáng 6.11 đã làm nước sông An Lão và sông Kim Sơn dâng cao, tràn vào các khu dân cư, chia cắt nhiều khu vực và gây ngập 1.074 ngôi nhà dân tại các xã: Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hữu, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa…
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoài Ân, mưa lũ đã làm thiệt hại 68 ha cây ăn quả và rau màu; 150 ha keo bị đổ ngã; cuốn trôi 682 con gia súc, gia cầm và 8,7 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá. Các tuyến đường giao thông liên xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Bok Tới, Ân Hữu, Đắk Mang bị mưa lũ gây xói lở lề đường và bồi lấp nhiều đoạn trên tuyến, với tổng chiều dài 5.600 m. Tuyến đường Xuân Sơn đi Đắk Mang bị sạt lở mái taluy dương nhiều đoạn; tuyến đường Bù Nú đi xã Bok Tới cũng bị sạt lở đất, đá gây bồi lấp nhiều vị trí, rãnh thoát nước dọc theo tuyến bị hư hỏng nặng. Cầu suối Kà Tao, xã Đắk Mang; cầu Nghĩa Nhơn, xã Bok Tới; Phú Văn 2, xã Ân Hữu bị mưa lũ làm hư hỏng. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở các đoạn bờ sông thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây; đoạn bờ sông thôn Phú Văn - Thế Thạnh, xã Ân Thạnh; đoạn suối cầu Bến Vách, xã Ân Tường Tây; đoạn bờ sông khu vực Vườn Trũng, thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ; với tổng chiều dài sạt lở 3.200 m. Ngoài ra mưa lũ còn gây bồi lấp 3.800 m kênh mương và 16 đập dâng... Tổng giá trị thiệt hại bước đầu ước tính trên 9 tỷ đồng.
Kè suối Nước Dôi (thôn O5) bị sạt lở do mưa lũ. Ảnh: TRỌNG LỢI
Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng cục bộ, chia cắt nhiều thôn ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Chiều 6.11, ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Theo báo cáo nhanh ban đầu, 25 hộ dân có nhà ở vùng thấp trũng ở làng O3, Đắk Tra, K6 bị ngập do nước lũ; 1 lán trại của công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 bị sập hoàn toàn, 1 nhà dân ở làng O5 bị sập một phần… 200 m kè suối Nước Dôi (thôn O5) cũng bị sạt lở, hư hỏng nặng. Nhiều điểm trên tuyến đường ven hồ Định Bình bị sạt lở; đoạn từ làng K6 đến bờ đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 bị sạt lở khoảng 13 điểm với khối lượng khoảng 2.800 m3 đất đá, đoạn từ ngã ba xã Vĩnh Kim đến Vĩnh Sơn với khoảng 15 điểm sạt lở khoảng 5.200 m3 đất đá; đoạn từ làng O5 đến làng Kon Trú (xã Vĩnh Kim) sạt lở khoảng 3.000 m3 đất đá… Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại 22,52 tỷ đồng.
Huyện Vĩnh Thạnh huy động xe ủi, lực lượng dân quân, bộ đội ở cơ sở khai thông tạm lối đi tại những vị trí sạt lở để nhân dân có thể đi lại bằng xe máy. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại huyện An Lão, sáng 6.11, nước từ sông An Lão dâng cao, tràn qua đê sông Lấp tại xã An Hòa cũng gây ngập úng một số tuyến đường liên xã, khu dân cư qua thôn Vạn Long và Vạn Khánh (xã An Hòa) với 42 nhà ngập nước. Tuyến ĐT 629 từ An Lão đi Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) một số điểm cũng bị ngập. Đến chiều 6.11, nước đã rút dần. “Nước lũ trên sông An Lão dâng cao nhất từ khoảng 4 giờ đến 5 giờ sáng 6.11, song người dân không bị động ứng phó. Bởi trước đó, chính quyền đã thông báo, cảnh báo về tình hình bão số 10 sẽ gây mưa lớn, xuất hiện lũ nên người dân đã chủ động kê đồ đạc lên cao, ngừa nước ngập gây hư hỏng. Sau khi nước lũ rút, lực lượng cứu nạn của huyện, xã đã túc trực để hỗ trợ người dân dọn dẹp đối với khu vực bị ngập”, ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết.
Nước lũ ngập sâu tại thôn K6, xã Vĩnh Kim. Ảnh: T.L
Nỗ lực khắc phục, cứu người kịp thời
Cùng với thiệt hại, việc sạt lở cũng đã gây chia cắt tạm thời 4 làng ở xã Vĩnh Kim gồm: O2 (48 hộ, 189 nhân khẩu), O3 (35 hộ, 140 nhân khẩu), Kon Trú (41 hộ, 143 nhân khẩu), Đắk Tra (108 hộ, 381 nhân khẩu). Trước tình hình này, chiều 6.11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vĩnh Thạnh đã huy động xe ủi, lực lượng dân quân, bộ đội, CA ở cơ sở tiến hành khai thông bớt khối lượng đất đá, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại.
“Khi thời tiết nắng ráo, phương tiện cơ giới, lực lượng dân quân, bộ đội và người dân ở địa phương sẽ tiếp tục tiến hành thu dọn khối lượng đất đá, cây cối tại các điểm, đoạn đường bị sạt lở. Ðồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo xã Vĩnh Kim phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, trường hợp có mưa lớn thì tiếp tục vận động, yêu cầu người dân sống vùng thấp trũng khẩn cấp di dời đến nơi an toàn để tránh trú”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh BÙI TẤN THÀNH
Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo UBND xã Vĩnh Kim tổ chức di dời 127 người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Huyện cũng huy động lực lượng tại chỗ và máy đào, máy ủi, máy cưa… để khắc phục sạt lở, cây ngã đổ, thông thoáng đường để người dân đi lại kịp thời. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho những hộ dân di dời đến nơi ở an toàn, không để hộ dân nào bị đói rét”.
Mặc dù hiện nay sau khi xảy ra sạt lở tuyến đường tránh hồ chứa nước Đồng Mít ở huyện An Lão, để đảm bảo hoạt động lưu thông được thông suốt đơn vị đang thi công, quản lý tuyến đường là Ban Quản lý dự án đầu tư công trình NN&PTNT tỉnh đã huy động các phương tiện xe cơ giới tiến hành xử lý tại các điểm sạt lở, thường xuyên túc trực người và phương tiện, đồng thời kiểm tra toàn tuyến, tại các khu vực có nguy cơ sạt lở để xử lý kịp thời, cũng như cảnh báo người dân không đi lại trong thời điểm có mưa lũ. Tuy nhiên, tại hiện trường điểm sạt lở này do mưa kéo dài với lưu lượng khá lớn nên điểm taluy dương hiện nay đất ngấm nước, vì thế nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện An Lão khuyến cáo người dân khi đi qua đoạn đường này phải chú ý quan sát và hạn chế qua lại những lúc mưa to, đồng thời nếu tiếp tục có mưa lớn thì nguy cơ sạt lở đất tại các xã vùng cao và ngập nước tại các xã vùng thấp là rất cao, người dân nên chủ động phòng chống và dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, ngập lũ.
Đường ven hồ Định Bình từ thôn K6 (xã Vĩnh Kim) về đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 bị sạt lở nặng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nước lũ dâng đột ngột nên từ sáng sớm nhiều người dân huyện Hoài Ân đã tiến hành di dời tài sản, di chuyển đàn gia súc, dẫn đến có người bị mắc kẹt trong lũ nguy hiểm đến tính mạng phải nhờ đến chính quyền địa phương hỗ trợ. Điển hình nhất là trường hợp của anh Nguyễn Đức Cảnh (SN 1972, ở tại thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa), khoảng 3 giờ 30 phút sáng 6.11 thấy trời mưa to nên anh Cảnh sang đám soi giữa sông gần nhà để chuyển đàn bò của gia đình đến nơi an toàn, khi quay về thì nước lũ xuống nhanh phải bám vào bụi cây kêu cứu. Cùng thời gian trên, tại cầu Vườn Thơm (thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu) lực lượng chức năng cũng đã cứu kịp thời anh Nguyễn Văn Tự (SN 1984, người địa phương) cũng với lý do sang sông dắt bò đến nơi an toàn, khi quay về thì nước lũ xuống nhanh nên cũng phải bám vào nhánh cây... Rất may, 2 trường hợp này được cứu kịp thời và an toàn.
Chiều 6.11, người dân địa phương và lực lượng chức năng ở xã Vĩnh Kim thu dọn cây gãy đổ xuống các tuyến đường dẫn về xã. Ảnh: T.LỢI
TIẾN SỸ - TRỌNG LỢI - HỮU BÁ - BẢO THANH