CHUYỂN ÐỔI CÂY TRỒNG TRÊN ÐẤT LÚA:
Hiệu quả đã được khẳng định
Chuyển đổi những diện tích lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn, áp dụng đúng quy trình đầu tư chăm sóc đã được ngành chức năng hướng dẫn nông dân, giúp hạn chế rủi ro từ thời tiết gây ra, giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.
Nông dân xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang trồng bắp.
Tại các địa phương trong tỉnh, đã có nhiều mùa vụ bị thất thu do thiếu nước tưới, lúa bị khô héo phải cắt cho bò ăn nên cần có sự chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một cách phù hợp với điều kiện thực tế để đạt hiệu quả. Vụ Hè Thu năm 2020, hàng trăm nông hộ ở thôn Vạn An (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) đã chuyển đổi sang sản xuất bắp và đóng giếng lấy nước ngầm cung cấp nước tưới cho cây trồng. Các nông hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được hỗ trợ giống cây trồng, ngành chức năng và chính quyền các địa phương chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Kết quả thu được đã làm hài lòng bà con nông dân, như ở hộ ông Trần Nghiêng, ngoài tiền lãi 2 triệu đồng/2 sào bắp, ông còn sử dụng được lá bắp cho đàn bò.
Ông Trần Nghiêng chia sẻ: “Diện tích đất sản xuất lúa ở đây không nhiều lại nằm ở vùng không chủ động được nước tưới, nên chỉ vụ Đông Xuân là ăn chắc, còn vụ Hè Thu thường bị thất thu do thiếu nước tưới. Muốn chuyển đổi sang cây trồng cạn cũng khó, vì chung quanh chẳng ai làm, một mình sản xuất cây trồng cạn giữa cánh đồng lúa rất khó cho việc cải tạo ruộng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Nay cả thôn đồng loạt chuyển đổi sang trồng bắp và đều đạt hiệu quả hơn sản xuất lúa, nên ai nấy cũng đều vui và sẽ duy trì cách làm này ở những mùa vụ sau”.
Sau một mùa vụ chuyển đổi thí điểm thành công 1 sào đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, ông Lê Bá Danh, ở thôn Thái Phú, xã Cát Tài, huyện Phù Cát đã quyết định chuyển đổi hẳn 8 sào đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu xen bắp hoặc các loại cây trồng cạn khác. Ông Danh cho hay: “Sản xuất cây trồng cạn không cần nhiều nước như lúa, việc đầu tư chăm sóc cũng đơn giản hơn, nhưng hiệu quả lại cao hơn gấp 3 lần so với sản xuất lúa. Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, tôi đã chuyển tất cả diện tích đất sản xuất lúa sang trồng đậu phụng xen với bắp”.
Theo ngành chức năng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Qua 5 năm (2016 - 2020) triển khai, nông dân các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi được 16.955 ha đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang trồng bắp, mè, đậu phụng, ớt và các loại rau màu, trong đó có trên 7.327 ha được hưởng chính sách hỗ trợ giống cây trồng của tỉnh. Công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật cũng đã được chú trọng, nông dân áp dụng hiệu quả nhiều phương thức luân canh, xen canh, quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng, thu lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa từ 4 - 23 triệu đồng/ha tùy theo cây trồng chuyển đổi. Riêng diện tích chuyển đổi được hưởng chính sách hỗ trợ thì lợi nhuận tăng thêm trên 101,1 tỷ đồng so với trồng lúa.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động được nước tưới vừa giảm được áp lực về nước tưới, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu vào (tiền điện để bơm nước, chi phí mua, phun thuốc bảo vệ thực vật) vừa tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Ngoài ra, qua việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã hình thành tư duy sản xuất tập trung, tạo sự gắn kết với HTX cùng DN trong thực hiện liên kết chuỗi để cùng phát triển theo hướng bền vững. Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương vận động nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kêu gọi DN ký kết với các HTX thực hiện liên kết chuỗi, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh duy trì chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân phát triển sản xuất.
PHẠM TIẾN SỸ