Xét xử “đại án” Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: Luật sư xin hoãn vì... không kịp đọc hồ sơ
Theo TAND TPHCM, phiên tòa xét xử “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank, chi nhánh TPHCM) cùng 22 đồng bọn lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng diễn ra sáng nay (6.1). Một số luật sư đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa vì chưa kịp đọc hồ sơ tài liệu vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Dự kiến phiên tòa kéo dài 20 ngày. Theo cáo trạng: Đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978) - cán bộ tín dụng Vietinbank, chi nhánh TPHCM - đã vay cá nhân hơn 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và nhiều cá nhân với lãi suất cao nhằm mang tiền đi đầu tư vào bất động sản.
Đến năm 2010, không còn khả năng trả nợ, khi đó Huyền Như đã nắm giữ chức vụ quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank, chi nhánh TPHCM, với thẩm quyền được phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, DN theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỉ đồng/lệnh.
Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã giả danh Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để huy động tiền. Nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, Huyền Như khắc 8 con dấu giả mạo, làm giả tài liệu của Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa 9 Cty và 3 ngân hàng, cùng 3 cá nhân hơn 4.911 tỉ đồng. Đến khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án (ngày 28.9.2011), thì số tiền Huyền Như còn chiếm đoạt là gần 4.000 tỉ đồng.
Trong 23 bị can bị truy tố ra tòa xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cho vay lãi nặng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Huyền Như được xác định là cầm đầu, bị truy tố 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cùng 21 đối tượng liên quan trực tiếp khác trong vụ “đại án” này, trong đó có 13 đối tượng là trưởng, phó phòng, cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ và Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Phòng Giao dịch Võ Văn Tần, chi nhánh Nhà Bè (thuộc Vietinbank TPHCM).
Nguồn tin của Báo Lao Động, một số luật sư đã nộp đơn đến TAND TPHCM, Viện KSND... đề nghị hoãn phiên tòa (dự kiến diễn ra hôm nay 6.1). Bởi vụ án hình sự đã khởi tố điều tra từ ngày 28.9.2011 (cách đây hơn 2 năm), nhưng mãi đến khi phiên tòa sắp đưa ra xét xử hơn chục ngày, thì một số ngân hàng “giật mình” khi nhận thông báo của TAND TPHCM, lúc này họ mới biết mình là “nạn nhân” bị hại trong vụ án.
Không có thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ nhằm tranh tụng tại phiên tòa, do vậy luật sư đại diện một số ngân hàng đã nộp đơn xin hoãn phiên tòa. Luật sư Trần Đức Hùng -Văn phòng Luật sư Hùng Thịnh, Đoàn Luật sư TPHCM, người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) - đã nộp đơn đến TAND TPHCM xin hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Lý do mà luật sư Trần Đức Hùng xin hoãn phiên tòa là: “Đến nay tôi chưa được quyền đọc, sao chụp và nghiên cứu hồ sơ tài liệu trong vụ án đầy đủ, toàn diện có liên quan đến bảo vệ quyền lợi của đương sự theo quy định của pháp luật”. Bởi Navibank chỉ biết được thông tin chính thức về việc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Navibank tham gia vụ án với tư cách là nguyên đơn dân sự (bị hại) vào ngày 19.12.2013 theo giấy triệu tập của TAND TPHCM.
Trong khi đó, từ ngày vụ án khởi tố điều tra cách nay đã hơn 2 năm, suốt quá trình điều tra cho đến truy tố, Navibank không nhận được thông tin nào về vụ án từ các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngay sau khi nhận thông tin từ TAND TPHCM, Navibank là bị hại trong vụ án Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngân hàng đã có văn bản đề nghị luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Tuy nhiên, tài liệu hồ sơ vụ án quá nhiều, trong đó có hơn 1.000 trang mục lục... và TAND TPHCM chỉ cho phép luật sư sao chụp trong 2 ngày (ngày 31.12.2013 và 2.1.2014). Luật sư trình bày: “Với thời gian quá ngắn như vậy, mặc dù rất cố gắng, nhưng tôi không kịp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án và chưa xác định được là Navibank có liên quan trong vụ án hay không? Việc này là chưa phù hợp quy định tại Khoản 3, Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự...”.
Theo luật sư Trần Đức Hùng, ngân hàng chỉ mới nhận được thông tin chính thức là nguyên đơn dân sự cách thời điểm dự kiến xét xử vụ án chỉ có 14 ngày. Với thời gian ngắn như vậy, luật sư không đủ thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án một cách đầy đủ, toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích pháp pháp cho ngân hàng, như vậy là không công bằng, không bảo đảm được quyền của luật sư trong bào chữa bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án.
Do vậy, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tạm hoãn phiên tòa, để các luật sư có thời gian sao chụp hồ sơ, tài liệu, nghiên cứu kỹ để bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
Theo cáo trạng, trong nhiều nạn nhân bị Huyền Như lừa đảo, có Navibank thông qua 14 nhân viên để gửi hơn 1.500 tỉ đồng vào Vietinbank, bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỉ đồng.
. Theo Lao Động online