Chung tay phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở huyện Tuy Phước đã được các cấp, các ngành các địa phương trên địa bàn quan tâm chú trọng. Trẻ em được chăm lo cải thiện cuộc sống, được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm gia đình có 2 trẻ em bị tử vong ở xã Phước An (huyện Tuy Phước) do TNTT.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, từ năm 2016 đến tháng 10.2020, trên địa bàn huyện có 29 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 9 trường hợp trẻ em tử vong do TNTT, tăng 6 vụ so với cả năm 2019. Trong đó có 2 trẻ em tử vong do điện giật và 2 trẻ em tử vong do hỏa hoạn.
Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Ban điều hành Bảo vệ trẻ em huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền, trang bị kiến thức phòng, chống TNTT cho hơn 129 nghìn lượt trẻ em là học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn. Ðồng thời, đã triển khai dạy bơi miễn phí cho 1.950 trẻ em từ 8 đến dưới 16 tuổi, ưu tiên các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng lũ, kết quả 100% trẻ em đạt yêu cầu khóa học.
Đơn cử, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 2.9 vừa qua, do sơ suất của gia đình nên cháu B.M.H. (2 tuổi), ở thôn Thanh Huy 2, xã Phước An (huyện Tuy Phước) bị vướng vào dây điện thắp sáng dẫn đến tử vong. Hay mới đây nhất, vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng 15.10.2020, cháu N.H.K.Đ (5 tuổi) và N.H.K.D (3 tuổi, là 2 anh em) ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An trong lúc chơi đùa ở phòng trên lầu một của gia đình, lấy bật lửa để đốt chơi và sau đó lửa cháy một số vật dụng rồi lan ra các đồ chơi bằng nhựa của 2 cháu ở trong phòng, gây cháy nhà. Hậu quả 2 cháu đã bị thiêu cháy, tử vong.
Những TNTT nặng và tử vong xảy ra với trẻ đã để lại nỗi ân hận đeo đẳng cho các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ… Tuy nhiên nhận thức của các bậc phụ huynh với việc phòng chống TNTT trẻ em lại chưa cao. Mặc dù, các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền về phòng, chống TNTT trẻ em.
Không thể tiên liệu trước vấn đề tai nạn xảy ra cho trẻ em nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể phòng, tránh. Hơn ai hết, gia đình luôn phải nâng cao ý thức cảnh giác, dành thời gian quan tâm, giám sát các hoạt động của trẻ để tránh những tai nạn rủi ro thương tâm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, cho biết: Trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích sao chép hành động của người lớn nhưng kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ gần như chưa được hình thành nên rất dễ bị TNTT. Đôi khi, chính căn nhà lại là một môi trường không an toàn cho trẻ, như: Cầu thang, ổ điện, các thiết bị nhà bếp, kể cả nhà tắm… đều có khả năng gây thương tích cho trẻ.
Trẻ em, nếu được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, trẻ sẽ phát huy hết năng lực bản thân. Điều đó, cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc trang bị cho trẻ em những kiến thức để tự bảo vệ mình, hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp tại gia đình, trường học và cộng đồng; xây dựng các ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn; đồng thời giáo dục kỹ năng sống cho trẻ biết cách lường trước nguy hiểm và có kỹ năng tự tồn tại khi rơi vào các tình huống nguy hiểm, nhằm phòng, chống TNTT trẻ em.
XUÂN VINH