TP HCM sẽ lắp hệ thống điện mặt trời tại trụ sở công
Mái các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công tại TP HCM sẽ được lắp hệ thống điện mặt trời từ nguồn vốn ngân sách.
Chủ trương này vừa được Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chấp thuận theo đề xuất của Sở Công thương, sau khi làm việc với các sở ngành và đơn vị liên quan.
Việc này được đánh giá là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và thành phố; đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Công nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM.
Để triển khai đại trà, lãnh đạo thành phố giao Sở Công Thương, Sở Khoa học - Công Nghệ cùng Tổng công ty Điện lực TP HCM đánh giá kỹ kết quả thực hiện thời gian qua như: phương thức, quy trình thực hiện, chi phí đầu tư bình quân, hiệu quả thực tế, thời gian hoàn vốn các dự án đã triển khai từ nguồn ngân sách cũng như những tồn tại, hạn chế.
UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng, không gian, điều kiện thực tế tại từng đơn vị để đề xuất chủ trương, phương thức, lộ trình, nguồn vốn thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho biết, thời gian qua một số cơ quan trụ sở nhà nước như UBND quận 3, 4, 12, Phú Nhuận... lắp đặt hệ thống điện mặt trời. "Hiệu quả tích cực của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở đâu cũng như nhau, dù là cơ quan nhà nước, nhà dân hay doanh nghiệp đều đã được chứng minh nhiều ở thị trường rồi", ông Kiên nói.
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM cho rằng, để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở trụ sở cơ quan nhà nước, từ nay đến cuối năm các đơn vị cần đăng ký để được thành phố bố trí vốn, chuẩn bị triển khai đầu tư năm 2021 và những năm sau. Nếu không kịp bố trí vốn thì năm sau khó để triển khai ngay được.
Kinh phí đầu tư hệ thống điện mặt trời có mức giá khác nhau theo từng thời điểm, hiện trung bình khoảng 15 triệu đồng một kWp. "Khi thực hiện dự án cụ thể phải đánh giá hướng của mặt bằng mái để hứng được nắng với thời gian cao nhất. Nếu ở mức hướng nắng thuận lợi, cần khoảng 5-7 năm để hoàn vốn", ông Kiên nói.
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố, TP HCM còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Hiện, toàn thành phố có 11.031 hệ thống điện mặt trời với với tổng công suất là 177,02 MWp. Các dự án được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, giá 1.943 VND/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương 8,38 UScents/kWh.
Theo Hữu Công (VnExpress)