Gầy dựng lực lượng diễn viên trẻ cho nghệ thuật truyền thống: Lo cho tương lai
Cuối tháng 10 vừa qua, trong khuôn khổ Cuộc thi diễn viên trẻ tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2020 tại TP Quy Nhơn, đã diễn ra tọa đàm “Tìm giải pháp phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực nghệ thuật tuồng - dân ca kịch hiện nay”.
Cuộc tọa đàm cho thấy điểm chung đối với đơn vị nghệ thuật công lập trên lĩnh vực sân khấu truyền thống nhiều năm qua đó là “đầu vào” diễn viên tuyển chọn được ngày càng ít, bởi theo luyện tập, biểu diễn các bộ môn nghệ thuật này khó, vất vả, mà “đầu ra” lại bấp bênh, chế độ còn thấp, diễn viên trẻ rất chật vật xoay xở “cơm áo gạo tiền”.
Các diễn viên trẻ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định tham gia Cuộc thi diễn viên trẻ tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2020.
NSND Phương Thảo, nguyên diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), chia sẻ: Muốn lớp trẻ theo nghệ thuật truyền thống thì phải “tìm thấy tương lai của mình”, chứ hiện chế độ thấp, có khi ra trường thì biên chế “kẹt cứng” các đơn vị không nhận về được, hay không có lương mà chỉ hỗ trợ 1 triệu/tháng thì làm sao các em yên tâm làm nghề. Thầy cô chúng tôi mỗi lần lặn lội đi tuyển ở cơ sở cũng thấy xấu hổ, bởi người ta xì xào đó là “phỉnh” các em vào học chứ đầu ra không có, tương lai bấp bênh... Đào tạo rất tốn kém - cả chi phí và tâm huyết, rồi không dựng được tương lai cho các em thì đào tạo để làm gì? Nói giữ gìn nghệ thuật truyền thống mà không có diễn viên trẻ thì hóa ra nói suông. Vậy nên, rất cần có thêm những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế.
Tại Cuộc thi diễn viên trẻ tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2020, Nhà hát tuồng Việt Nam có lực lượng tham gia thi tuồng đông và trẻ nhất (12 diễn viên từ 21-22 tuổi), cũng đoạt nhiều giải thưởng nhất. Để có được thành quả này, Nhà hát trải qua một quá trình dài chăm lo “từ gốc đến ngọn”. Trước tiên, xây dựng đề án đào tạo diễn viên trẻ của đơn vị, mở rộng tuyển sinh ở hàng chục tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung bộ, liên kết với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tổ chức đào tạo trung cấp tuồng. Họp bàn lãnh đạo, nghệ sĩ, nhân viên Nhà hát cùng thống nhất trích một phần tiền tích lũy từ các hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi... để hỗ trợ phần chi phí học cho lực lượng trẻ tuyển được, xây mới khu tập thể trang bị các tiện nghi cần thiết cho các em ở. Sau khi ra trường ở lại làm việc thì Nhà hát tiếp tục có thêm chế độ hỗ trợ.
“Nhà hát tiếp tục động viên, khuyến khích, tìm cách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế để các diễn viên, nhạc công trẻ tiếp tục theo đuổi, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trên con đường nghệ thuật còn dài. Thời gian tới, tạo điều kiện cho nhiều em được thi tuyển vào biên chế nhà nước. Nhà hát cũng đang xây dựng kế hoạch phát huy cơ sở vật chất mới được tỉnh quan tâm đầu tư gắn với tổ chức các chương trình phục vụ du lịch, cũng là tạo thêm cơ hội cho diễn viên trẻ được biểu diễn nhiều hơn và có thêm thu nhập…”
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh VĂN BÁ DŨNG
Lứa diễn viên trẻ của Nhà hát ra trường năm 2018, thì đến đầu tháng 8.2020 đều đã được tuyển dụng vào biên chế nhà nước. Điều đáng tiếc là để làm được như trên, Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn khẳng định: Tại nhiều hội nghị, nhiều cuộc kiểm tra của các bộ, ngành liên quan và ngay tại cuộc tọa đàm này tôi xác nhận, Nhà hát phải làm một số thứ trái quy định, nhưng “phải làm sai mới giữ được người” vì nghề... Ông cũng nhấn mạnh: Chúng ta phải tự lo, tự làm, tự giải quyết chứ trông chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước thì còn nhiều cái khó...
Đại diện Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa chia sẻ tại buổi tọa đàm, nếu bảo các đơn vị nghệ thuật truyền thống công lập sống bằng nguồn thu từ biểu diễn thì tin chắc rằng không có đơn vị nào làm được. Nếu xác định cần phải bảo tồn tinh hoa vốn quý của dân tộc thì phải có cơ chế chính sách cụ thể hơn, phù hợp hơn... cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống.
Trong khó khăn chung, càng ghi nhận nhiều nỗ lực trong công tác gầy dựng lực lượng kế cận của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Qua việc đào tạo chính quy hệ trung cấp, đại học, đồng thời được các thế hệ đi trước tận tâm truyền nghề thêm trong quá trình tham gia hoạt động biểu diễn, các diễn viên trẻ đã từng bước trưởng thành rõ rệt qua các vở diễn, khẳng định mình qua các cuộc thi tài toàn quốc trong nhiều năm qua. Điều này tiếp tục thể hiện khi có 16 diễn viên của Nhà hát tham gia Cuộc thi tài năng trẻ vừa qua, kết quả đạt 2/6 HCV, 6/14 HCB, cùng 4 diễn viên đạt các giải thưởng khác.
Lực lượng trẻ dự thi lần này cùng với hàng chục diễn viên khác ở độ tuổi trên dưới 40 của Nhà hát cũng đã khẳng định được tài năng, tạo nên lực lượng kế cận quan trọng trong hiện tại và đặc biệt là tương lai, khi lớp nghệ sĩ tài danh lần lượt nghỉ hưu. Thêm cơ sở cho điều này khi chúng tôi tìm hiểu tâm tư chung của các diễn viên trẻ, dù đã và đang trải qua khó khăn, họ đều mong muốn gắn bó lâu dài với nghề...
HOÀI THU