Khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra: Sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường!
Ngày 7.11, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão và TX Hoài Nhơn để chỉ đạo triển khai công tác khắc phục, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đảm bảo an toàn cho dân, nhanh chóng thông đường
Tại huyện Vĩnh Thạnh, mưa lũ lớn đã gây thiệt hại rất nặng cho hệ thống giao thông. Ghi nhận trong ngày 7.11 của phóng viên Báo Bình Định cho thấy, tuyến đường ĐH33 đã được thảm bê tông nhựa từ thôn K6 đến thôn Đắk Tra thuộc địa bàn xã Vĩnh Kim dài khoảng 10 km, đã bị đất đá, cây rừng từ trên núi đổ dồn xuống, che lấp gần như hoàn toàn, nhiều đoạn bị sạt lở, đứt gãy, nhiều tảng đá lớn lở từ trên cao xuống làm biến dạng địa hình. Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Đắk Tra, thôn O3, thôn O5 và thôn O3, xã Vĩnh Kim bị hư hỏng rất nặng. Tuyến đường từ đầu đèo Vĩnh Sơn đến thôn K3, xã Vĩnh Sơn, mưa lũ đã làm sạt lở mái taluy dương xuống mặt đường; cống qua đường thôn K4 bị lũ cuốn trôi; đập dâng Đắk Re, thôn K4 bị sạt lở mái thượng và hạ lưu.
Nhiều điểm trên tuyến đường ĐH 33 mưa lũ làm sạt lở taluy sâu vào thân đường rất nguy hiểm. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Ngay trong đêm 5.11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tập trung chỉ đạo xã Vĩnh Kim di dời 26 hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm tại các thôn K6, 05 và Đắk Tra đến nơi an toàn. Ngày 6 và 7.11, lãnh đạo huyện cùng cán bộ xã Vĩnh Kim huy động lực lượng, phương tiện, máy móc ủi tạm đất đá để mở đường cho xe máy có thể qua lại. Huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo ngành chức năng và UBND các xã rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho dân.
Nền đường bị đất đá bồi lấp, khiến giao thông qua xã Vĩnh Kim đi lại gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TIẾN SỸ
Ngày 7.11, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai ở Vĩnh Thạnh, thị sát việc sạt lở đất đá trên tuyến đường ĐH 33. Sau khi đi kiểm tra thực tế, nghe ngành chức năng và chính quyền địa phương báo cáo, đồng chí Hồ Quốc Dũng đánh giá: Tình trạng mưa lũ, sạt lở đất đá như vừa diễn ra là rất bất thường, nguy hiểm. Tính chất và quy mô như vậy chưa từng xảy ra ở huyện Vĩnh Thạnh, rất may là địa phương và người dân đã chủ động ứng phó, không xảy ra trường hợp đáng tiếc. Dù vậy, chính quyền và các ngành phải tập trung hỗ trợ dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường!
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đầu tiên) kiểm tra tình hình sạt lở đất tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: TIẾN SỸ
Về hướng khắc phục hậu quả thiên tai, đồng chí Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Tuyến đường ĐH 33 có vai trò quan trọng, kết nối từ huyện lỵ Vĩnh Thạnh đến xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn, nhưng nay đã hư hỏng quá nặng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua đây. Để đảm bảo an toàn, trước mắt, UBND tỉnh giao cho Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh huy động lực lượng, phương tiện, máy móc chuyên dụng, trong 3 ngày phải cơ bản giải phóng khối lượng đất đá bồi lấp trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông đi lại. UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ cho chủ trương nâng cấp tuyến đường này. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp thông qua một dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2021, qua đợt này, UBND tỉnh sẽ tính toán lại các giải pháp phòng chống sạt lở, để gia tăng mức độ kiên cố, đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng với đó là rà soát, tính toán xây dựng các khu tái định cư mới, để cấp cho các hộ sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến xây dựng nhà ở.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Ban quản lý Dự án NN&PTNT huy động nguồn lực giải phóng lượng đất đá bồi lấp trên tuyến đường ở xã Vĩnh Kim. Ảnh: TIẾN SỸ
Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Mưa lũ đã làm nước sông tại các sông An Lão và sông Kim Sơn dâng cao gây ngập lụt, một số địa phương tại huyện Hoài Ân bị chia cắt, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Quá, ở thôn Phú Văn 2, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), chia sẻ: “Do lượng mưa lớn đổ xuống, nước chảy xiết đã cuốn trôi lớp đất đá tại hai mố cầu Đá Bạc - nối qua thôn, gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, các hộ dân gần đó đã chặt cây cắm tại khi vực này để cảnh báo bà con. Ngay sau khi nước lũ rút, ngành chức năng của huyện đã về kiểm tra và lấy đất đá chắn tạm để lấp vào khoảng trống dưới các mố cầu, đồng thời cắm biển cảnh báo để người dân qua lại được an toàn”.
Cầu Đá Bạc xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân) bị sạt lở nặng do nước lũ cuốn trôi đất đá bên mố cầu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Ngay sau khi nước lũ vừa rút, huyện đã huy động các lực lượng tập trung khôi phục lại hệ thống giao thông để đảm bảo thông suốt, nhất là tuyến đường liên xã Bok Tới, Đắk Mang để bà con vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm. Đối với những công trình thủy lợi, hệ thống giao thông sạt lở quá nặng, chúng tôi chỉ có thể tạm thời khắc phục trong khả năng của huyện. Cùng với công tác tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ, huyện cũng đang tiếp tục thống kê thiệt hại và báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại các công trình thủy lợi, hạ tầng giao thông, cũng như hỗ trợ người dân bị thiệt hại để ổn định sản xuất”.
Nhiều tuyến đường giao thông tại xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân) vẫn còn ngập nước. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại huyện An Lão, nước lũ đã làm 42 ngôi nhà tại xã An Hòa ngập sâu 0,5 m, cống giao thông thôn Long Hòa đi hồ Hưng Long (xã An Hòa) bị sạt lở 70 m3, hệ thống kênh mương tại xã An Hòa bị sạt lở 100 m; đường giao thông từ xã An Quang đi An Toàn bị sạt lở nặng tại đoạn km 8 - km 16+500; đập Tà Loan tại xã An Hưng bị sạt lở nặng; đường giao thông nông thôn từ thôn 3 đi thôn 5 của xã An Hưng bị sạt lở khiến giao thông bị gián đoạn.
Đập Tà Loan tại xã An Hưng bị sạt lở nặng hai bên bờ sông. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão, cho biết: Từ ngày 6 đến nay, chúng tôi đã tích cực hỗ trợ người dân có nhà bị ngập lụt dọn dẹp bùn đất. Đồng thời khẩn trương khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt để sớm đảm bảo việc đi lại thông suốt. Riêng tuyến giao thông từ thôn 3 đi thôn 5 xã An Hưng thiệt hại nặng đến giờ vẫn chưa khắc phục được.
Tuyến đường giao thông từ thôn 3 đi thôn 5, xã An Hưng (huyện An Lão) bị sạt lở gây chia cắt vẫn chưa được khắc phục (ảnh chụp chiều 7.11). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Mưa lớn kéo dài khiến cho các tuyến đường giao thông từ phường Tam Quan đến các xã Hoài Châu, xã Hoài Châu Bắc đến xã Hoài Sơn bị nước lũ tràn qua, gây chia cắt giao thông. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho hay: “Mãi đến sáng 7.11, nước lũ mới bắt đầu rút, UBND thị xã đã chỉ đạo chính quyền các địa phương triển khai lực lượng hỗ trợ người dân khẩn trương dọn dẹp đất đá, cây cối đổ ngã, đảm bảo giao thông sớm thông suốt trở lại. Điều đáng mừng là nhờ quán triệt tốt nên người dân an toàn, không có thương vong. Chúng tôi đang thống kê thiệt hại các điểm sạt lở bờ sông, bờ suối khu vực phía Bắc thị xã. Riêng 1.750 tàu cá neo đậu tại khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan được đảm bảo an toàn sau bão số 10, hiện bà con cũng đã xuất bến đi biển sau khi hết bão”.
TIẾN SỸ - NGỌC NHUẬN