Tăng sức mạnh cho tổ chức cơ sở đảng
Chương trình hành động “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025” là cơ sở quan trọng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần tạo nên sức mạnh của từng tổ chức cơ sở đảng.
Chương trình hành động “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025” đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ số đảng viên mới kết nạp chiếm tỷ lệ trên 4% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ dưới 0,3%. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 100% cấp ủy viên cơ sở đạt trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên.
Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở
Để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, Chương trình hành động “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025” đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chính: Đổi mới và thực hiện có hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng; kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; coi trọng công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở Chi bộ cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
Đáng chú ý là giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng TCCSĐ. Cụ thể, tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình TCCSĐ phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; mô hình tổ chức đảng trong các DN một cách hợp lý. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế ngoài khu vực nhà nước.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức trong sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ phù hợp với từng loại hình chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý cấp ủy, chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong tự phê bình và phê bình, nhất là ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các loại hình DN. Thực hiện thí điểm sinh hoạt đảng hằng tháng tại tổ đảng, thay cho sinh hoạt chi bộ ở một số chi bộ khu dân cư có đông đảng viên.
Cấp ủy, bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm về mọi mặt công tác tại cơ sở; nếu địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ hoặc mất ổn định chính trị thì cấp ủy, bí thư cấp ủy phải bị xem xét xử lý kỷ luật.
Nâng cao chất lượng nghị quyết, sinh hoạt chi bộ
Từ Chương trình hành động “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025”, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cụ thể hóa từng nội dung, triển khai tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù.
Với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Từng chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra: 100% chi bộ giữ nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, nội dung sinh hoạt đảm bảo thiết thực, đảng viên tham dự sinh hoạt đạt tỷ lệ trên 90%, mỗi đảng viên tham gia đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chi bộ ít nhất đạt 6 kỳ/năm.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa cho rằng, chất lượng của sinh hoạt chuyên đề cần được nâng cao hơn nữa. Ngay từ đầu năm, chi ủy và bí thư chi bộ chủ động lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, phân công chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tổ chức sinh hoạt. Lựa chọn các chuyên đề cần sát thực, phù hợp chức năng nhiệm vụ của chi bộ, chức trách, nhiệm vụ và trình độ của đảng viên. Mỗi chuyên đề cần phân công đảng viên am hiểu nội dung, có khả năng thuyết trình chuẩn bị, trình bày và hướng dẫn để đảng viên trao đổi, thảo luận.
Với Huyện ủy Hoài Ân, giải pháp được chú trọng là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở.
Theo Bí thư Huyện ủy Đỗ Thị Diệu Hạnh, vấn đề quan trọng đặt ra là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của cấp ủy. Nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và phân định rõ trách nhiệm. Trong quá trình chỉ đạo, cấp ủy phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc, thảo luận kỹ và đề ra nghị quyết chuyên đề, xác định rõ thời gian thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
“Định kỳ 6 tháng/lần, các ban xây dựng Đảng giúp Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chính trị, chất lượng sinh hoạt của các chi, đảng bộ. Cấp ủy viên và người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên khi tổ chức đảng của mình có vấn đề nổi cộm, yếu kém”, bà Hạnh nhấn mạnh.
MAI LÂM