Khắc phục bất cập đấu thầu trang thiết bị y tế
Câu chuyện đấu thầu trang thiết bị y tế “nóng” lên trong thời gian qua tại một số cơ sở y tế công lập trong nước. Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực ngày 1.1.2021 được xem là động thái tích cực góp phần khắc phục những bất cập trong lĩnh vực vốn khá nhạy cảm này.
Từ ngày 1.9.2020, khi lập dự toán giá gói thầu trang thiết bị y tế, cơ sở y tế phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế.
Minh bạch thông tin hơn
Năm 2020, BVĐK tỉnh thực hiện hai gói thầu vật tư y tế tập trung cho các cơ sở y tế công lập và gói thầu vật tư y tế, hóa chất của riêng bệnh viện. Trong đó, gói thầu tập trung gồm 4 gói thầu nhỏ, 253 mặt hàng vật tư y tế dùng chung, giá trị dự toán được duyệt hơn 88 tỷ đồng; kết quả trúng thầu 167 mặt hàng, với hơn 59 tỷ đồng. Riêng gói thầu của bệnh viện được lập kế hoạch lại theo quy định Thông tư 14, gồm 6 gói thầu nhỏ, tổng cộng 1.430 mặt hàng.
Theo dược sĩ Võ Thị Mai Anh, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Dược (BVĐK tỉnh), mặt hàng vật tư y tế, hóa chất được quy định cụ thể tại Thông tư 14 là trang thiết bị y tế, với phân loại 6 nhóm chất lượng - giá sản phẩm tương ứng. “Việc phân nhóm đối với trang thiết bị y tế và dự thầu vào các nhóm của gói thầu để cơ sở y tế có thể thêm cơ sở lựa chọn phù hợp yêu cầu chuyên môn, nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính, đặc biệt trong giai đoạn phân cấp được triển khai triệt để, nâng cao trách nhiệm và tự chủ về tài chính, cũng như quy định liên quan đến thanh toán BHYT. Cơ sở cũng đảm bảo loại bỏ được những nhà thầu “không mong muốn” mà quy định chung chung như trước đây không loại được”, bà Mai Anh nói.
Trước đây, quy định về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế được thực hiện theo Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan về đấu thầu và các hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC về mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước. Điều này dẫn đến bất cập là mặt hàng trang thiết bị y tế là mặt hàng đặc thù nhưng lại quy định đấu thầu như hàng hóa thông thường.
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng cho biết, hiện tại, khi lập dự toán giá gói thầu, phân loại 6 nhóm trang thiết bị y tế, bệnh viện phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó của các cơ sở đã đấu thầu trong cả nước để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế; trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể. Tất cả trang thiết bị y tế phải được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Y tế đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấu hình… Điều này giúp cơ sở y tế tránh được tình trạng “mù mờ” chọn thầu theo cơ chế “giá” là chính.
Dẫn chứng từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng tốc vấn đề xét nghiệm, nhưng địa phương vẫn rất e dè, lúng túng trong vấn đề mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế liên quan vì mỗi nơi mỗi kiểu, không có giá để so sánh, tham khảo. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, Thông tư 14 là khung pháp lý quan trọng đảm bảo cho minh bạch thông tin trong đấu thầu trang thiết bị y tế. Đồng thời, quy định về điều kiện của trang thiết bị y tế tham dự thầu, đặc biệt là trách nhiệm của nhà cung cấp liên quan đến bảo hành, cung cấp phụ kiện, vật tư thay thế, giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng, hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế, tránh tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá.
Chưa hết khó
Dù rất kỳ vọng về việc kiểm soát giá và chất lượng trang thiết bị y tế, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng Thông tư 14 chưa thể xử lý triệt để các bất cập trong đấu thầu trang thiết bị y tế.
Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho hay, bên cạnh công khai quy định nhằm kiểm soát giá hiệu quả, Thông tư 14 quy định đơn vị đều phải báo cáo kết quả trúng thầu các gói thầu mua sắm thiết bị y tế về Bộ Y tế. Thông tin này được đăng tải công khai trên trang web chính thức, là cơ sở cho đơn vị tham khảo làm giá kế hoạch thầu. Nhưng đến nay, trên trang đăng tải và tra cứu kết quả lựa chọn nhà thầu giá trang thiết bị y tế của Cổng thông tin Bộ Y tế chỉ có một số trang thiết bị lớn, chưa phân nhóm theo Thông tư 14, cấu hình kỹ thuật chưa đầy đủ, chưa thống nhất danh mục chung… rất khó cho lập giá kế hoạch. Hiện tại, trung tâm đã dừng hết gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để chờ thông tin rõ hơn từ Bộ Y tế.
Trong khi đó, với đầu mối đấu thầu chung cho toàn tỉnh, BVĐK tỉnh cho rằng, vẫn còn vướng mắc về danh mục khung, danh mục thiết yếu cho trang thiết bị y tế để làm cơ sở mua sắm. Việc quy định giá tham khảo 12 tháng để làm lập giá kế hoạch cũng chưa hợp lý. “Ví dụ giá mua trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh mùa Covid-19 nhảy loạn, nhiều gói thầu chúng tôi xây dựng giá kế hoạch, nhưng không có đơn vị đấu vì giá thấp, buộc phải hủy thầu làm lại”, TS Võ Bảo Dũng dẫn chứng.
Ông Lê Quang Hùng khẳng định: “Thông tư 14 vẫn còn phải điều chỉnh theo thực tế. Nhưng chính ngành Y tế cũng phải rà soát quản lý tốt hơn. Bởi, ngoài vấn đề giá, công tác đấu thầu, lĩnh vực thiết bị y tế quá rộng lớn với 15.000 chủng loại mặt hàng, mỗi sản phẩm lại có mức rủi ro khác nhau, không có giới hạn về nguyên vật liệu sản xuất hay chỉ định mục đích sử dụng. Đặc biệt, trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc thù, do đó việc mua sắm tại các cơ sở y tế cần tăng cường vai trò quản lý của từng đơn vị, bộ phận để xác định nhu cầu, kế hoạch sử dụng và chỉ đạo công tác đấu thầu, mua sắm đúng quy định”.
MAI HOÀNG