Ngói sừng bò trong kiến trúc Champa
Ngói sừng bò là một loại ngói dùng để trang trí nhà dài, các ngôi đền…trong kiến trúc Champa. Chúng không nhiều như một số loại ngói khác như: Ngói mũi lá, ngói ống (ngói âm dương), ngói mũi sen… Tại Bình Định, các cuộc khai quật khảo cổ học chỉ phát hiện được loại ngói này tại tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước (năm 2002), tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn (năm 2007); ngoài ra còn sưu tầm được một số mảnh tại tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát.
Hiện vật ngói sừng bò phát hiện tại tháp Hòn Chuông.
Năm 2002, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tháp Bánh Ít, phát hiện nhiều vật liệu kiến trúc bằng đất nung như ngói mũi lá, ngói âm dương, gạch có trang trí… trong đó có hơn 10 mảnh ngói sừng bò. Những mảnh ngói sừng bò này phần lớn đều bị vỡ mất phần thân chỉ còn lại phần uốn cong nhọn. Phần thân thường là một viên ngói giống ngói bản dương nhưng có kích thước lớn, phía trên lưng ngói có phần uốn cong nhọn hình sừng bò. Ngói sừng bò được tìm thấy ở đây được nhào nặn rất kỹ, xương gốm mịn, màu đỏ tươi. Các nhà khoa học nhận định loại ngói này được dùng để trang trí đầu mái của nhà dài phía trước tháp chính.
Hiện vật ngói sừng bò phát hiện tại tháp Dương Long.
Các hiện vật ngói sừng bò phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học tại tháp Dương Long thu được một số mảnh ngói trang trí hình sừng bò có kích thước lớn hơn những hiện vật ngói sừng bò phát hiện tại khu tháp Bánh Ít. Chúng đều bị vỡ mất một phần thân ngói dạng bản dương, chỉ còn một phần thân nhỏ tại vị trí nối với đoạn cong hình sừng bò. Tuy nhiên, kích thước phần còn lại vẫn còn tương đối lớn, vào khoảng 30 cm. Đất nguyên liệu để làm ngói đất chưa được xử lý kỹ, nên có phần thô hơn, màu sắc nhạt hơn so với những viên ngói hình sừng bò phát hiện tại tháp Bánh Ít. Thông qua cuộc khai quật này, đặc biệt là vị trí phát hiện các mảnh ngói sừng bò ở phía trước cửa tháp giữa (thường là vị trí đặt các ngôi nhà dài) càng củng cố chắc chắn hơn về công năng trang trí của loại ngói này tại các công trình kiến trúc Champa.
Hiện vật ngói sừng bò phát hiện tại tháp Bánh Ít.
Khảo sát tại di tích tháp Hòn Chuông các nhà khoa học cũng thu được một số mảnh ngói sừng bò, nhưng phần thân còn khá nguyên vẹn, có hình dáng như một viên ngói giống ngói bản dương nhưng kích thước lớn và rất dày, trên lưng có gắn móc cong nhọn hình sừng bò. Dựa trên những nét đặc trưng này ta có thể nhận định rằng ngói trang trí sừng bò được sử dụng trên phần mái kiến trúc lợp ngói và nhiều khả năng là được gắn ở vị trí đầu mái kiến trúc.
NGUYỄN VIẾT TUẤN