ÐỒNG CHÍ VŨ HOÀNG HÀ - NGUYÊN ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ÐẢNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY:
Cần có giải pháp thu hút đầu tư vào kinh tế biển
Tôi rất đồng tình và phấn khởi vì Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề cập nhiều đến kinh tế biển, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển…”.
Trong những năm gần đây, kinh tế biển được sự quan tâm của các cấp, các ngành, song đầu tư phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Nhìn chung, các ngành kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đủ năng lực chinh phục các vùng biển quốc tế. Trong khi đó, nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ. Việc khai thác tài nguyên biển còn mang tính tự phát, khai thác chưa đi đôi với bảo tồn, phát triển.
Trung ương cần tích cực hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế biển gắn với xây dựng các khu đô thị, khu du lịch biển, hạn chế tác động xấu đến môi trường, cảnh quan.
- Trong ảnh: Cảng Quy Nhơn. Ảnh: KHỔNG XUÂN HIỀN
Kết cấu hạ tầng các cảng biển, các khu kinh tế ven biển còn yếu, thiếu bền vững. Tỉnh nào cũng xây dựng quy hoạch cảng biển, khu kinh tế nhưng không đủ nguồn lực đầu tư, dẫn đến manh mún, lãng phí.
Những năm gần đây, tỉnh Bình Định cũng dành nhiều ưu tiên cho kinh tế biển như đầu tư, quy hoạch hạ tầng ven biển, cấp phép các dự án đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển và hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư hạn chế nên hiệu quả mang lại chưa nhiều. Bên cạnh đó, các cảng cá chủ yếu của tỉnh là cảng cá Tam Quan, cảng cá Ðề Gi và cảng cá Quy Nhơn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, hậu cần, bốc dỡ sản phẩm và trú tránh bão.
Đất nước ta có hơn 3.260 km bờ biển, diện tích biển hơn 1 triệu km2 và có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế biển. Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Từ thực tế Bình Định, theo tôi, Nhà nước cần có giải pháp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào kinh tế biển, nhất là lĩnh vực logistics và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, song song với hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, xây dựng các cảng cá hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ biển. Trung ương cần tích cực hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế ven biển gắn với xây dựng các khu đô thị, khu du lịch biển, hạn chế tác động xấu đến môi trường, cảnh quan. Cần tác động mạnh vào nhận thức của người dân, DN về phát triển bền vững, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường biển. Tăng cường các hoạt động bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên để biển Việt Nam trở thành môi trường sống trong lành cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
- Lâu nay việc quy hoạch phát triển ngành thủy sản còn thiếu quy hoạch liên kết vùng, nên thiếu tính tương hỗ giữa các tỉnh, chưa thực sự phát huy được thế mạnh của cả vùng.
- Cần sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển bảo đảm thông thương giữa các tỉnh ven biển, tăng cường giao thương, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.
- Trong kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế vùng ven biển phải đặc biệt lưu ý lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự. Quan tâm đến yếu tố bảo đảm an ninh, chủ quyền biên giới hải đảo.
- Hiện nay tình trạng tàu sắt nằm bờ nhiều, khó thu hồi vốn nên Nghị định 17/2018, Nghị định 67/2014 chắc sẽ khó tiếp tục triển khai. Do đó cần sớm có kế hoạch chủ trương thay thế, theo hướng:
- Vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản là phát triển kinh tế gắn bảo vệ quốc phòng, rất cần những đoàn tàu đánh cá đủ mạnh với công nghệ hiện đại (cả khai thác và chế biến trên biển) để tạo những sản phẩm cao cấp xuất khẩu.
- Cần tiếp tục hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cho những đội tàu đánh cá lớn có thể mở rộng, phát triển khai thác xa bờ và vùng biển quốc tế.
- Hạ tầng cảng cá cần được đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng.
- Hạ tầng nuôi trồng thủy sản cần được đầu tư để phát triển bền vững theo hướng áp dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất phải được xây dựng từ chuỗi đến tiêu dùng, xuất khẩu.
Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt, môi trường vùng nuôi thủy sản ngày càng bị ô nhiễm, thời tiết cực đoan, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu không tăng thì các giải pháp trên là cấp bách và cần thiết.
NGỌC QUỲNH (ghi)