Chuyện một người trồng mai ở Nhơn An
Ông Lê Cam Đường ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX An Nhơn (ảnh) là một người hâm mộ cây mai xuân. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông khởi nghiệp trồng mai xuân với vỏn vẹn 50 hạt giống mai, khi đó ông là một trong những người đầu tiên sớm tính đến việc làm kinh tế với cây mai. Tâm huyết là vậy nhưng sau 3 năm chăm sóc công phu, ông chỉ bán được 15 cây mai.
Tự biết mình chưa có nghề, ông Đường chịu khó vào miền Nam, đến nhiều vườn cây cảnh để quan sát, học hỏi kinh nghiệm trồng mai. Sau khoảng 5 năm vừa làm vừa học như vậy, vườn mai của ông đã phát triển lên 3 sào. Lúc này đã có thêm nhiều người trong thôn học ông, theo nghề trồng mai. Hiện nay, với hơn 3.000 m2 ruộng mai đẹp, ông Lê Cam Đường là chủ vườn có tiếng ở thôn Thanh Liêm.
Ông Đường ương trồng mai và chịu khó để ý chọn lọc những cây mai tốt, có nhiều ưu điểm, đặc biệt là những cây mai có đủ ưu điểm của 2 dòng mai phổ biến: Mai giảo với ưu điểm đóa to, màu vàng tươi và cúc mai với ưu điểm nhiều lớp cánh, nở bền. Cùng với đó ông còn tự mình chắt lọc kinh nghiệm để phát triển kỹ thuật chăm sóc. Ông Đường chia sẻ: Chăm một vườn mai vài ba trăm đến cả nghìn cây hoàn toàn khác với việc chăm 5 - 7 cây đến vài chục cây. Mình phải theo dõi cây mai sát sao để chúng phát triển thật đều, trăm cây như một. Muốn vậy ở giai đoạn ban đầu phải mất công sức đầu tư cho nó nhiều hơn. Ngay cả việc sử dụng phân bón cũng vậy, phải hết sức kỹ lưỡng theo thời điểm và thể trạng của cây. Vì vậy người trồng mai thường bố trí những cây mai tương đồng về thể trạng, độ tuổi ở cùng một lô để dễ chăm.
Những người trong nghề trồng mai ở thôn Thanh Liêm có chung nhận xét, ông Đường là một người trồng mai rất cẩn thận. Cách của ông mới nhìn có thể cho là chậm, dư thừa nhiều. Nhưng thật ra không phải vậy. Ví dụ ở giai đoạn sau Tết, khi cắt dọn cây chuẩn bị vụ mới, ông làm rất kỹ lưỡng; cắt dọn làm vệ sinh môi trường rất chu đáo. Giai đoạn này, ông tiêu tốn nhiều công có khi gấp đôi người khác, nhưng nhờ vậy ở các giai đoạn sau ông nhàn hơn trong phòng bệnh, có thêm thời gian để trau chuốt cho cây mai.
Mỗi năm ông Lê Cam Đường xuất bán khoảng 700 cây mai loại 3 - 4 tuổi. Tầm đầu tháng Chạp thương lái khắp nơi đã tìm đến vườn nhà ông Đường mua mai. Ông Đỗ Văn Thanh, sinh hoạt tại chi hội sinh vật cảnh thôn Háo Đức, nhận xét: “Dáng điệu của những cây mai do ông Lê Cam Đường tạo thế có nét riêng, hợp với mắt nhìn của nhiều chủ vườn và khách hàng mua mai. Ông Đường cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để giúp bà con nâng cao tay nghề, đạt hiệu quả kinh tế cao với nghề trồng mai”.
TRẦN THANH MINH THƯ