Bão số 12 gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
Ngày 10.11, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp ứng phó với hoàn lưu bão số 12 và bão Vamco sắp vào Biển Ðông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và bộ, ngành liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; theo dõi chặt diễn biến của bão Vamco để thông tin kịp thời đến các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển nhằm chủ động phòng tránh.
Các địa phương chịu ảnh hưởng do bão tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình PCTT ven biển; khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất...
Người dân xã Hòa Mỹ Ðông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) di dời tài sản và vật nuôi chạy lũ.
Tại tỉnh Phú Yên, theo thống kê ban đầu, bão số 12 làm tám nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái; một số công trình tường rào của nhà dân và trường học bị ngã đổ, quốc lộ 19C nước ngập 0,8 m, gây ách tắc giao thông đoạn qua xã Xuân Long... Về đường sắt, tại Km 1.217+500 thuộc xã Hòa Xuân Ðông, thị xã Ðông Hòa đất đá sạt lở xuống đường sắt với khối lượng 15 m3, đơn vị quản lý đường sắt đã tổ chức khắc phục, hiện khu vực trên đã thông tuyến. Ngoài ra, bão cũng làm 68 xã bị mất điện. Công ty Ðiện lực Phú Yên đã khắc phục ngay các sự cố để cung cấp điện cho khách hàng. Tại huyện Tây Hòa, nước lũ từ các sông lên nhanh, gây ngập sâu nhiều nhà dân, chia cắt nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã. Ba xã Hòa Mỹ Ðông, Hòa Mỹ Tây và Hòa Thịnh đã di dời khẩn cấp 300 hộ dân để tránh lũ.
Do mưa lớn, nước lớn đổ về từ thượng nguồn và thủy điện La Hiêng xả lũ 1.700 m3/giây, từ 17 giờ ngày 10.11, tất cả các tuyến đường đi vào huyện Ðồng Xuân (Phú Yên) bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn. Ðể bảo đảm an toàn, địa phương đã di dời khẩn cấp 2.130 người và có khả năng tiếp tục di dời thêm do lũ dâng nhanh. Ðến 19 giờ ngày 10.11, toàn tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 7.000 người dân, chủ yếu tại các huyện Ðồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu.
Tính đến 18 giờ ngày 10.11, tại tỉnh Khánh Hòa, bão số 12 làm ba người bị thương; gần 300 nhà dân bị sập, hư hỏng, tốc mái, hơn 1.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hỏng, ngã đổ. Tỉnh đã tổ chức di dời 1.210 hộ dân với 4.427 khẩu tại 174 vị trí có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Tuyến đường sắt thuộc khu vực xã Ðại Lãnh, huyện Vạn Ninh bị ngập sâu. Do mưa lớn, một số xã, gồm Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Thọ, Vạn Phước, Ðại Lãnh bị mất điện. Hiện nay, mực nước các hồ chứa trên địa bàn hiện đạt mức trung bình 60 đến 70%. Một số hồ đạt xấp xỉ dung tích thiết kế như Suối Trầu 99%, Hoa Sơn 96%, Ðá Ðen 86%, Suối Dầu 82%... đang vận hành điều tiết để hạ thấp mực nước, chủ động đón lũ.
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 10.11 tại thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam), xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp một nhà dân khiến một người chết. Hiện nay, lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm tra, tìm kiếm tại khu vực sạt lở đề phòng có người dân đi qua bị nạn.
Do ảnh hưởng của bão số 12, tại tỉnh Bình Ðịnh có một người chết, một người bị thương. Bão cũng gây mất điện 1.325 trạm biến áp, hiện tại đã khôi phục được 593 trạm. Hiện nay, khu vực Bình Ðịnh có mưa to đến rất to, mực nước các sông đang lên nhanh. Dự kiến, tỉnh sẽ di dời 1.073 hộ vùng ven biển, ngập lụt và nơi có nguy cơ sạt lở đất để bảo đảm an toàn.
Từ chiều 9 đến sáng 10.11, tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to khiến lũ trên các sông lên nhanh. Tại huyện Ðức Phổ, nước sông Trà Câu đã vượt mức báo động 3 là 0,25 m khiến hơn 20 nhà dân bị ngập nước, trong đó một số nhà bị ngập khoảng 30 đến 50 cm.
Từ tối 9 đến chiều 10.11, tại tỉnh Ðắk Lắk có mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa đo được gần 200 mm. Tại huyện M’Ðrắk, đến 16 giờ 30 phút ngày 10.11, mưa lũ làm nhiều cầu, ngầm bị ngập, cô lập nhiều khu dân cư. Các địa phương đã lập các chốt chặn, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm. Chiều 10.11, UBND huyện Lắk thực hiện sơ tán hơn 400 hộ dân tại xã Ðắk Liêng ra khỏi khu vực ngập lụt. Mưa lớn khiến bốn buôn tại xã Ðắk Liêng ngập sâu hơn 1m. Hiện lực lượng chức năng đã đưa ca-nô vào hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng làm hơn 350 ha cây trồng tại các xã Yang Tao, Ðắk Liêng, Ðắk Nuê… huyện Lắk ngập sâu.
Theo Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC), đến trưa 10.11, đã có gần 252 nghìn khách hàng ở 114 xã/phường/thị trấn thuộc các tỉnh: Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa bị mất điện. Ước công suất phụ tải không cung cấp điện được tại ba công ty điện lực ở ba tỉnh là 142 MW, chiếm 5,1% phụ tải toàn EVNCPC. Các đơn vị đang huy động nhân lực, thiết bị xử lý, khôi phục cấp điện cho khách hàng ngay sau khi bão tan.
Tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đợt mưa, lũ vừa qua khiến quốc lộ 12A đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị sạt lở và đường dây cấp điện cho cửa khẩu và các phụ tải lân cận bị gãy đổ, hư hại. Sau 22 ngày khắc phục, đến nay toàn bộ phụ tải đã được cấp điện trở lại ổn định và an toàn.
Tại tỉnh Ninh Thuận, mưa kéo dài từ tối 9.11 đến trưa 10.11. Vì vậy, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 97,10 triệu m3. Lượng nước tích tại các hồ Tân Giang, Trà Co, Núi Một gần như đạt 100% dung tích thiết kế nên Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã mở một cửa van xả từ 2 đến 20 cm. Riêng hồ Ma Trai thả tràn tự do 8 cm.
Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở nghiêm trọng hơn 10 km bờ biển dọc các xã Triệu Vân và Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Nhiều điểm dọc bờ biển trên địa bàn hai xã bị triều cường dâng cao, sóng lớn làm sạt lở rộng từ 20 đến 30 m, cao từ 1,5 đến 2 m, ăn sâu vào khu vực nuôi trồng thủy sản và đất sản xuất của nhân dân.
Tại tỉnh Lâm Ðồng, năm hồ chứa thủy lợi gồm: Tuyền Lâm, P’róh, Ma Ðan, Ðinh Trang Thượng II, Tư Nghĩa đang xuất hiện hiện tượng thấm thân đập lớn hơn mức cho phép, có vị trí bị thấm mạnh; một số hồ xuất hiện vết lún, nứt dọc mặt đập. Ngoài ra, qua kiểm tra, tại ba vị trí dọc sông Ða Dâng, đoạn qua huyện Lâm Hà và ba vị trí bờ suối thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, Cát Tiên, Ðạ Huoai đều bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn kéo dài đến 500 m.
Theo NDĐT