Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Sẽ thu phí đường cao tốc
Phát biểu tại thảo luận tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi; Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sáng 11.11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí đường cao tốc là một nội dung trong Luật GTĐB sửa đổi, một trong mục tiêu của việc này là để đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận tổ, sáng 11.11. Ảnh: QUANG PHÚC
Theo quy hoạch đường cao tốc hiện nay, Việt Nam sẽ có khoảng 6.400 km. Tuy nhiên, thực tế đến nay mới xây dựng được 1.200 km, tính thêm cả kế hoạch xây dựng và chuẩn bị khởi công, quy mô mới đạt được khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, quy hoạch này đã lạc hậu.
“Đường cao tốc vận hành, việc thu hút phát triển kinh tế sẽ rất nhanh. Nhiều địa phương đã kiến nghị điều chỉnh lại quy hoạch đường cao tốc, cần có các tuyến kết nối trung tâm tỉnh, trung tâm vùng kinh tế lớn để đáp ứng yêu cầu vận tải nhanh. Nhiều nhả năng, quy hoạch đường cao tốc sẽ lớn hơn con số 6.400 km rất nhiều, có thể lên tới 10.000 km”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Với kinh phí lớn như thế, ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng, việc huy động vốn xã hội gặp khó khăn. Vì thế, Chính phủ chủ trương đưa vào điều khoản thu phí đường cao tốc.
Bên cạnh đó, một lý do khác của việc thu phí là mục tiêu điều tiết lưu lượng giao thông. Như trường hợp cao tốc TPHCM - Trung Lương, sau khi dừng thu phí, việc quản lý tuyến đường này gặp nhiều khó khăn.
"Người dân tham gia giao thông 24/24, kể cả phương tiện không đảm bảo yêu cầu cũng tham gia. Khi có lực lượng chốt chặn, người dân chấp hành nghiêm, nhưng khi vắng bóng các phương tiện không đủ điều kiện lại đi lên đó, việc quản lý rất khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Vì thế, đường cao tốc thiết kế tốc độ di chuyển 100 km/giờ, nhưng thực tế vận tốc dòng xe chỉ đảm bảo 50-60 km/giờ. Việc thu phí được xem là giải pháp khắc phục tình trạng này và điều này cũng là lý do Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu thu phí lại đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Thu phí sẽ điều tiết được giao thông, tránh để đường cao tốc trở thành đường bình thường. Phương tiện nào cần thiết đi nhanh mới đi cao tốc, nếu không cần thiết, họ có thể đi trên đường quốc lộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong 10 năm qua, với nỗ lực lớn, đầu tư bằng nhiều hình thức, đến thời điểm này đã có hơn 1.100 km đường cao tốc. Chúng ta đã không đạt được mục tiêu đã đề ra là tới năm 2020 có được 2.000km đường cao tốc.
Tuy nhiên, với nền tảng hiện nay, với các dự án vừa mới khởi công, Chính phủ quyết tâm trong 10 năm tới sẽ phát triển thêm 3.000km đường cao tốc để đến năm 2030, có được 5.000km đường cao tốc.
Trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ tập trung vào một số dự án đường cao tốc trọng điểm như hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Đây là tuyến cao tốc song song với Quốc lộ 1A, khi hoàn thành sẽ liên kết được với nhiều cảng biển. Bên cạnh đó, ở khu vực phía Bắc sẽ nghiên cứu lại hệ thống đường cao tốc kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng để tạo hệ thống cao tốc thông suốt với cảng Lạch Huyện.
Trước đó, ngày 10.11, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chất vấn cao tốc Trung Lương - TPHCM ngưng thu phí từ ngày 1.1.2019, trong khi còn khoảng 6.000 tỷ đồng chưa hoàn vốn. Việc ngưng thu phí làm mất kiểm soát về lưu lượng và tải trọng, hệ lụy làm mặt đường xuống cấp, giao thông hỗn loạn, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải, trước đây chúng ta có Nghị định 18 về quỹ bảo trì đường bộ, Luật Phí và lệ phí, Luật Giá. Do những văn bản pháp lý này ràng buộc, nên sau khi kết thúc hợp đồng thu phí, chúng ta không tiến hành thu phí dự án nữa. Vì thế rất nhiều xe, kể cả xe 2 bánh đã đi vào tuyến đường này, làm cho giao thông hết sức hỗn loạn.
Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí lại tuyến cao tốc này. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tới đây cũng quy định thu phí trên tuyến đường cao tốc.
Tiếp đó, ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, việc đã ngưng thu mà thu lại phí đường cao tốc Trung Lương – TPHCM phải rất thận trọng, vì hiện chi phí vận tải hàng hóa từ ĐBSCL lên TPHCM và ngược lại đang tăng rất cao. Theo luật định, dự án này thuộc tài sản toàn dân, nên nếu thu phí đoạn đường này phải có khung pháp lý phù hợp, để đảm bảo khi thực hiện phải được người dân ủng hộ.
Theo PHAN THẢO (SGGP)