Cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông hợp lý
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 11.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tham gia thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) nêu trường hợp nước Thụy Điển những năm 70 trước đây có số lượng tai nạn giao thông hằng năm cao. Thụy Điển đã chuyển từ việc tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông sang hoàn thiện hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và ngày nay họ là một trong những nước có số ca tai nạn giao thông thấp nhất thế giới. Đây cũng là một cách làm mà Việt Nam cần nghiên cứu để giảm tai nạn giao thông.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia thảo luận tổ.
ĐB Cảnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong đầu tư cho hạ tầng giao thông thì việc sử dụng hạ tầng phải đạt công suất cao, hạ tầng phải được sửa chữa ngay từ khi có hư hỏng nhỏ để giao thông luôn thông suốt. Việc sửa ngay các hư hỏng mặt đường giúp xóa các điểm đen, các điểm tiềm ẩn tai nạn là hết sức cấp thiết. Nhiều thiết bị, nguyên vật liệu có thể sửa chữa các ổ gà, hư hỏng mặt đường có diện tích nhỏ trong thời gian chỉ 20 phút, giúp tiết kiệm chi phí khi kịp thời sửa chữa các hư hỏng nhỏ trước khi trở thành hư hỏng lớn, thường xảy ra sau mỗi mùa mưa bão.
Do đó, ĐB Cảnh đề nghị trong điều 5 quy định chính sách của Nhà nước về phát triển giao thông đường bộ cần có chính sách khuyến khích nhập khẩu các phương tiện, thiết bị, nguyên vật liệu giúp rút ngắn thời gian xây dựng, nâng cao công suất sử dụng. Chẳng hạn, miễn tất cả các loại thuế, phí, thủ tục nhập khẩu, kiểm tra. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa đường bộ.
Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, ĐB Cảnh đề nghị cần bổ sung nội dung ưu tiên cho xe được đón khi tham gia giao thông, ưu tiên nơi dừng đỗ quanh nhà trường, tại các điểm đón thuộc lộ trình xe chạy. Các phương tiện nhường đường khi học sinh đang lên, xuống xe...
Bảng tên đường kèm chức năng chỉ đường do ĐB Cảnh thiết kế.
Bên cạnh đó, ĐB Cảnh cho rằng, việc chỉ quy định cách đặt tên đường mà không quy định nội dung thể hiện chỉ dẫn để trên bảng tên đường thống nhất trên toàn quốc là chưa đầy đủ. Người lái xe khi tìm nhà, đến các ngã tư không biết nhà cần tìm bên trái hay bên phải nên thường không tập trung lái xe, gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác; khi rẽ không đúng hướng thì quay đầu cũng góp phần làm ùn, tắc giao thông.
ĐB Cảnh đề nghị cần quy định thêm nội dung “Bảng chỉ dẫn tên đường và có thông tin hướng dẫn người tham gia giao thông đi đến đúng địa chỉ”.
Cụ thể, ĐB Cảnh đã thiết kế bảng chỉ đường như sau: Bảng tên đường có ghi địa chỉ của 2 nhà đầu tiên đối diện nhau tại nơi cắm bảng chỉ dẫn. Bảng có mũi tên để chỉ hướng số nhà tăng dần theo mũi tên. Số có gạch trên đầu thể hiện nhà bên kia đường, số có gạch dưới là thể hiện nhà phía gần người tham gia giao thông. Như vậy, người lái xe có thể biết nhà mình cần tìm ở hướng nào để đi.
MAI LÂM