Ðẩy mạnh phong trào sáng tạo nông dân
Phong trào nông dân phát huy sáng kiến, đổi mới kỹ thuật đang ngày càng phát triển sâu rộng trong tỉnh. Từ đó, số lượng giải pháp tham gia các cuộc thi sáng tạo nhà nông cấp tỉnh tăng đều hằng năm và trải đều ở 11 huyện, thị xã, thành phố.
Vườn ươm giống hoa cúc vàng của ông Ngô Quốc Hưng (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) được trồng theo công nghệ cao.
Nhiều mô hình cải tiến kỹ thuật phát huy hiệu quả, giúp bà con nông dân có được đời sống ổn định, thu nhập cao. Đơn cử như mô hình ứng dụng nhiệt hơi nước để vận hành hệ thống máy tráng bánh nước dừa tự động của ông Nguyễn Hữu Vinh (khối 8, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) mang lại hiệu quả năng suất gấp 10 lần cách làm truyền thống, lại không phụ thuộc vào môi trường, thời tiết; chất lượng sản phẩm được thị trường đánh giá cao và đã xuất sang Mỹ hai hợp đồng trị giá 3,6 tỷ đồng trong năm nay. Hay mô hình của ông Lê Công Tho (thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) tự nghiên cứu chế tạo ra máy đập xơ dừa, máy tách sợi và máy tách cám để sản xuất bót dừa cung cấp các nhà máy sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ; mang lại lợi nhuận 400 triệu đồng/năm, và tạo việc làm cho 10 - 17 lao động địa phương ở mức 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đặt dấu ấn với nhiều sáng tạo nông dân ứng dụng thành công trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Mô hình ươm giống hoa cúc vàng cải tiến của ông Ngô Quốc Hưng (thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) áp dụng công nghệ nhà lồng ươm, hệ thống báo nhiệt tự động bằng điện thoại thông minh theo dõi nhiệt độ cây giống (đảm bảo từ 24 - 27°C). Nhờ đó, từ năm 2019, ông Hưng đã sản xuất được 4 - 5 triệu con giống/năm, trong khi phương pháp cũ chỉ đạt 500 nghìn con giống/năm.
Hay như ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất rau, quả hữu cơ, kết hợp chăn nuôi gà sạch, ông Trịnh Hưng Công (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Công sử dụng chế phẩm vi sinh học (nguồn gốc Nhật Bản) để phân giải chất hữu cơ, xác chết động vật thành phân bón cho cây trồng; đồng thời, xây dựng hệ thống mương đào và giếng tưới tiết kiệm. Hiện mô hình hiệu quả này đã nhân rộng ra cộng đồng.
Có được những kết quả trên, một phần nhờ Hội Nông dân tỉnh đã đổi mới cách thức tổ chức, đa dạng kênh hỗ trợ, trong đó có việc kết hợp Sở KH&CN về tuyên truyền vận động, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, triển khai các dự án KH&CN tại địa phương. Ngoài ra, ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng: “Các cuộc thi sáng tạo nhà nông còn góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy tính tư duy, sáng tạo của nông dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”.
KHÁNH LINH