Công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh: Vẫn còn vướng mắc
Mới đây, Ban Pháp chế HÐND tỉnh có đợt giám sát chuyên đề về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy, Luật Ðấu giá tài sản năm 2016 giúp công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế hoạt động, công tác này còn một số tồn tại, vướng mắc.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ĐGTS tại Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh.
Chuyển biến tích cực
Theo Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có 12 tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) đang hoạt động, gồm: 1 trung tâm dịch vụ đấu giá (thuộc Sở Tư pháp); 9 công ty đấu giá và 2 chi nhánh công ty đấu giá. Có tất cả 20 đấu giá viên đang hành nghề tại 12 tổ chức ĐGTS trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2020, các tổ chức đấu giá và đấu giá viên trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được 7.580 cuộc đấu giá. Tổng giá khởi điểm hơn 6.339 tỷ đồng, tổng giá bán của tài sản đấu giá hơn 8.502 tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch sau đấu giá hơn 2.287 tỷ đồng.
Từ khi Luật ĐGTS năm 2016 có hiệu lực thi hành (ngày 1.7.2017) đã tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tạo lập môi trường giao dịch công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ĐGTS của các cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt, Quyết định số 43/2018/QĐ-UBND ngày 17.8.2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho hoạt động ĐGTS. Các tổ chức ĐGTS và đấu giá viên thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ĐGTS, như: Tổ chức bán đấu giá theo đúng trình tự, thủ tục; ban hành quy chế ĐGTS cho từng cuộc đấu giá phù hợp với đặc điểm, chuẩn loại, đối tượng tài sản đấu giá.
“Luật ĐGTS năm 2016 và Quyết định số 43/2018 của UBND tỉnh giúp công tác đấu giá thực hiện chặt chẽ, thống nhất từ bước nộp hồ sơ đến việc tổ chức cuộc đấu giá. Qua đó, góp phần giảm tiêu cực, khiếu kiện trong hoạt động ĐGTS; tài sản được bán giá cao hơn giá khởi điểm ngày càng tăng. Qua đó, tăng thu ngân sách, bảo đảm lợi ích của nhà nước và tổ chức, cá nhân có tài sản”, ông Nguyễn Tấn Thương, Giám đốc Công ty đấu giá Hợp danh Bình Định, nhìn nhận.
Vẫn còn vướng mắc
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế, công tác ĐGTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, vướng mắc. Bà Đặng Thị Ngọc Uyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh (Sở Tư pháp), phân tích: Khoản 2, Điều 38 và khoản 2, Điều 39 Luật ĐGTS năm 2016 quy định việc đăng ký tham gia đấu giá và tiền đặt trước không thống nhất về mặt thời gian. Cụ thể, người tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký trước, nộp tiền đặt trước sau.
Điều này phát sinh tình trạng nhiều khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau. Sau đó, chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá.
Ngoài ra, Luật ĐGTS không quy định thời gian thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS nên người có tài sản thông báo thời gian lựa chọn tổ chức đấu giá “siêu nhanh”, khiến các tổ chức đấu giá “trở tay không kịp”. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bởi chỉ có tổ chức đấu giá được ngầm lựa chọn trước mới có thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ kịp thời hạn.
Bên cạnh đó, tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” còn diễn ra ngày một tinh vi, phức tạp. Theo ông Đặng Văn Phú, Chánh thanh tra Sở Tư pháp, thì tình trạng “thông thầu” diễn ra tinh vi nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức ĐGTS, người có tài sản đấu giá; ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Mặt khác, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp nhiều khó khăn; nhất là tài sản liên quan đến thi hành án. Đơn cử, từ tháng 1.2018 đến tháng 6.2020, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh tổ chức đấu giá thành 3 cuộc đấu giá tài sản thi hành án. Nhưng đến nay, 2/3 cuộc đấu giá thành chưa bàn giao được tài sản (nhà, đất) cho người trúng đấu giá.
“Không ít trường hợp người mua được tài sản đấu giá chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia ĐGTS liên quan đến thi hành án. Tài sản đấu giá được bán nhiều lần không thành, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước”, bà Đặng Thị Ngọc Uyên cho biết.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, những tồn tại, vướng mắc trên là do hoạt động ĐGTS chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, Luật ĐGTS chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức ĐGTS thực hiện; những yếu tố khác như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát việc đấu giá… chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.
“Qua đợt giám sát chuyên ngành, Ban Pháp chế ghi nhận, tổng hợp những vướng mắc, tồn tại trong công tác ĐGTS trên địa bàn tỉnh. Từ đó, có cơ sở kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét sửa đổi, bổ sung; tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động ĐGTS nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐGTS”, ông Phạm Hồng Sơn cho hay.
VĂN LỰC