Y tế trường học:
Ðã khá hơn nhưng vẫn còn khoảng trống
Y tế trường học (YTTH) là một bộ phận không thể thiếu trong mỗi trường học. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ YTTH, cán bộ chưa đạt chuẩn vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Lặng thầm đóng góp
Ở huyện Phù Mỹ, Trường THPT số 2 Phù Mỹ có số lượng học sinh vào hàng đông nhất. Năm học 2013-2014, trường có 1.446 học sinh. Vậy nhưng, cũng như nhiều trường học khác, trường chỉ có 1 cán bộ YTTH là điều dưỡng Huỳnh Ngọc Dương. Anh Dương chuyển công tác từ Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ về trường từ năm 2004. Từ đó đến nay, anh Dương có thêm niềm vui được tiếp xúc với học sinh hằng ngày. Anh hài hước chia sẻ: “Công việc không quá nặng nhọc, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan được. Không chỉ tìm hiểu thêm kiến thức về các mô hình bệnh tật ở học đường, tôi còn thường xuyên chuyện trò, nắm bắt tâm lý của các em. Ở lứa tuổi mới lớn, đôi khi, “tâm bệnh” mới đáng lo!”.
Ngoài nhiệm vụ sơ cứu ban đầu, cán bộ YTTH còn đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức khám sức khỏe, quản lý hồ sơ sức khỏe cho học sinh. Và, cũng một tay anh Dương đảm nhận khâu hồ sơ để mua BHYT cho học sinh, đồng thời làm thủ tục thanh toán sau khi các em được khám chữa bệnh. “Không trực tiếp tham gia giảng dạy, nhưng công việc của người cán bộ YTTH vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chung của nhà trường”, ông Lê Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Phù Mỹ, nhận định.
Tuy không đông học sinh, nhưng Trường PTDTNT An Lão (huyện An Lão) phải thực hiện cả 2 nhiệm vụ nuôi và dạy. Tất cả học sinh của Trường đều là người dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em có thể trạng ốm yếu. Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh càng quan trọng hơn, khi các em ăn ở tại khu ký túc xá trong khuôn viên trường.
Y sĩ Đinh Văn Ló về nhận công tác tại Trường PTDTNT An Lão đã 4 năm nay. Làm việc ở trường nội trú, nên anh phải trực 24/24, được bố trí sinh hoạt ngay tại phòng y tế của trường. Là người H’rê, lại thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nên Đinh Văn Ló dễ dàng gần gũi, thân thiết với các em. “Các em còn nhỏ, vào trường nội trú, cái gì cũng lạ hết, rèn cho các em nền nếp sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập trong môi trường tập thể không hề đơn giản. Chăm sóc toàn diện cho các em càng khó gấp bội. Tất cả giáo viên, nhân viên trong trường đều coi các em như con như cháu nhà mình thì mới làm tốt được”, ông Tạ Giáp, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2, bộc bạch.
Chưa hết lo
Từ năm 2012, tỉnh Bình Định được tiếp nhận nguồn kinh phí của Dự án Truyền thông YTTH để triển khai hoạt động tập huấn cho cán bộ YTTH và kiểm tra điều kiện vệ sinh trường học. Năm 2012, kinh phí thực hiện là 268 triệu đồng, năm 2013 là 200 triệu đồng. Theo bác sĩ Đỗ Nguyễn Ngọc Minh, cán bộ chuyên trách YTTH của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động YTTH.
Năm 2006, Thông tư liên tịch số 35 giữa Bộ GD&ÐT và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được ban hành. Theo Thông tư này, mỗi trường học có một cán bộ YTTH. Ðến năm 2007, Bộ GD&ÐT ra quy định trình độ của cán bộ làm công tác YTTH phải từ trung cấp y trở lên.
Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 372/633 trường học có phòng y tế. Năm 2013, con số này tăng lên 445/673 trường. Tỉ lệ cán bộ chuyên trách cũng tăng lên (84% so với 66%). Hiện nay, trong số 556 cán bộ YTTH, chỉ còn gần 16% không có chuyên môn về y tế. Trong khi năm ngoái, tỉ lệ này chiếm đến gần 34%.
Dù tỉ lệ cán bộ chưa được đào tạo về y tế đã có giảm, nhưng vẫn ở mức khá cao. Thêm vào đó, còn đến 17 trường học “trắng” YTTH. Đây vẫn là nỗi lo lớn, bởi vai trò của YTTH là không hề nhỏ. “Ngày thường thì có vẻ nhẹ nhàng, nhưng mỗi lần xuất hiện các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, đau mắt đỏ… công việc của các cán bộ YTTH rất vất vả”, bác sĩ Minh nhìn nhận.
Thêm một trăn trở khác là chế độ dành cho cán bộ YTTH vẫn còn thấp. Vào biên chế đã 2 năm, nhưng mỗi tháng anh Đinh Văn Ló chỉ nhận được 2,6 triệu đồng. Theo quy định chung, cán bộ YTTH được hưởng phụ cấp 20% mức lương cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có địa phương không chi trả khoản phụ cấp này, với lý do “thiếu kinh phí”!
Đảm bảo nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động YTTH là vấn đề quan trọng mà ngành Y tế và Giáo dục cần quan tâm hơn nữa.
NGUYỄN VĂN TRANG