Dịch tả heo châu Phi tái phát và diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk
Tỉnh Đắk Lắk đến nay vẫn còn 18 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện/thành phố có dịch bệnh tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày.
9 huyện, thành phố có dịch bệnh tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày là: huyện Cư M'Gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Ana, Krông Păk, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột.
Riêng trong tháng 10, dịch tả heo châu Phi đã phát sinh 40 hộ chăn nuôi, ở 24 thôn, buôn. Tổng số heo mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 390 con với khối lượng tiêu hủy hơn 23.000 kg, tăng gấp 2,5 lần so với tháng 9. Dịch bệnh xảy ra hầu hết ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, không bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nhiều hộ dân mua giống heo về nuôi tái đàn không đảm bảo an toàn dịch bệnh, heo mua không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Cùng với thời tiết bất lợi, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa nhiều nên độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại nơi có đàn heo bị dịch bệnh
Để kiểm soát dịch tả heo châu Phi và hạn chế lây lan diện rộng, ông Thủy Lệ Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; thường xuyên áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, nhất là vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn heo mắc bệnh. Ở những địa bàn nguy cơ cao quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ heo và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo. Đặc biệt, các địa phương đang có dịch chưa qua 21 ngày.
“Sở Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương, nhất là 9 địa phương có dịch chưa qua 21 ngày phải giám sát heo mắc bệnh và chưa mắc bệnh để nhận định được nguy cơ. Bên cạnh đó, phải quản lý giết mổ và tiêu thụ. Tất cả heo phải được giết mổ tại lò giết mổ tập trung có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y và được lăn dấu thì mới được đưa ra tiêu thụ. Và giải pháp căn cơ nhất là vẫn là tiêu độc khử trùng, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học thì mới hạn chế được dịch lây lan”, ông Thủy Lệ Vũ cho biết thêm
Đắk Lắk là tỉnh có số lượng đàn heo lớn thứ 7 của cả nước với tổng đàn hơn 840.000 con. Đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh, lũy kế đến nay là gần 1.300 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 66.000 kg.
Theo Hương Lý/VOV