Rộn rã sắc màu ngày hội mừng xuân
Ðể có những sân chơi vui tươi, bổ ích phục vụ người dân nhân Tết Giáp Ngọ 2014, nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Sẽ có nhiều hội đánh bài chòi cổ
Tại lễ hội Chợ Gò Tết Quý Tỵ 2013, lần đầu tiên Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước tổ chức hội đánh bài chòi cổ dân gian phục vụ nhân dân. Nhờ sự hưởng ứng tích cực của các nghệ nhân bài chòi ở địa phương cùng với lực lượng cán bộ trung tâm, ban tổ chức đã đáp ứng được số lượng anh Hiệu phục vụ nhu cầu “ngồi chòi” liên tục của người dân, từ mùng 1 đến mùng 2 Tết. Ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Rút kinh nghiệm lần tổ chức năm ngoái, năm nay chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ hơn cho hội đánh bài chòi cổ trong lễ hội Chợ Gò sắp đến”.
Hội đánh bài chòi cổ dân gian được tổ chức thành công tại Lễ hội kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu năm 2013, đã động viên Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ tổ chức hoạt động này trong lễ hội năm nay. Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn cũng đã mời các nghệ nhân Minh Đức, Hoàng Việt tập huấn về hội đánh bài chòi cổ dân gian cho các “hạt nhân” văn nghệ địa phương từ cuối năm 2013. “Lớp tập huấn đạt kết quả tốt nên chúng tôi mạnh dạn đề xuất UBND huyện chấp thuận cho tổ chức hội đánh bài chòi cổ lần đầu tiên tại 3 địa điểm. Mở màn tại xã Hoài Đức từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Tiếp đó, sẽ được tổ chức tại xã Hoài Châu Bắc từ mùng 4-6 Tết nhân kỷ niệm 49 năm Chiến thắng Đồi 10. Nằm trong hoạt động kỷ niệm 442 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, hội đánh bài chòi cổ sẽ được tổ chức tại xã Hoài Thanh Tây, từ ngày 15-17 tháng Giêng”, ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, phấn khởi cho biết.
Tại TP Quy Nhơn, sẽ có nhiều hội đánh bài chòi cổ do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, các xã Nhơn Hải, Nhơn Châu duy trì tổ chức với chất lượng hứa hẹn cao hơn, góp phần từng bước tạo nên nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của người dân phố biển. Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng sẽ tiếp tục huy động lực lượng nghệ nhân giỏi để tổ chức hội đánh bài chòi cổ tại Bảo tàng Quang Trung trong lễ hội Đống Đa năm nay.
Đậm sắc màu văn hóa truyền thống
Ngoài hội đánh bài chòi cổ, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn có sáng kiến tổ chức Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền” vào các ngày 29-30.1. Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Dựng cây nêu ngày Tết là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam cần được bảo tồn, phát huy. Chúng tôi đã hướng dẫn, động viên các phường, xã trên địa bàn thành phố chuẩn bị cây nêu để tham gia dựng tại khu vực tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian, tại sân cỏ phía Đông đường Nguyễn Tất Thành”.
Góp thêm sắc màu văn hóa truyền thống trong lễ hội Đống Đa trong hai năm qua là các hội thi làm bánh ít, bánh chưng do Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn phối hợp với UBND thị trấn Phú Phong tổ chức. Hưởng ứng các hoạt động tại Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, hội thi làm bánh truyền thống sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn. Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội LHPN huyện Tây Sơn tổ chức hội thi làm bánh in kết hợp với thi hát dân ca vào chiều mùng 5 Tết Giáp Ngọ tại Bảo tàng Quang Trung. Không như các năm trước chỉ gói gọn trong phạm vi thị trấn Phú Phong, hội thi năm nay có sự tham gia của hội phụ nữ tất cả 15 xã, thị trấn của huyện. Mỗi đơn vị sẽ cử 3 chị đại diện mặc trang phục truyền thống như áo bà ba đi thi, nhằm giới thiệu với du khách những nét đẹp văn hóa truyền thống của phụ nữ Tây Sơn”.
Được bảo tồn và phát huy tốt trong nhiều năm qua, trò chơi dân gian cổ nhơn đã trở thành thú vui không thể thiếu được của đông đảo người dân thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn trong những ngày xuân. Trò chơi cổ nhơn ở huyện Hoài Nhơn trong dịp Tết Giáp Ngọ sẽ được tổ chức bài bản hơn, nhằm phục vụ Phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn thực hiện điều tra, nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. “Ý nghĩa của tên trò chơi cổ nhơn là để ai đó trong thời khắc xuân thiêng liêng luôn nhớ đến người xưa, biết ơn công lao của các thế hệ đi trước. Tại Hoài Nhơn, vui chơi cổ nhơn được tổ chức từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết. Nếu ai đã say thú vui cổ nhơn thì cứ mong đến Tết để thử sức “cân não” với mong muốn nhận được nhiều niềm vui đầu năm”, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn, bộc bạch.
HOÀI THU