Cân nhắc tính cần thiết khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Đó là quan điểm của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn khi thảo luận ở tổ ngày 12.11 về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
ĐB Lê Kim Toàn (phải) đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Theo đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn, lâu nay, ở khu vực đô thị (phường, thị trấn), bên cạnh CA chính quy có tổ bảo vệ dân phố hoạt động theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP về bảo vệ dân phố. Phụ cấp hằng tháng của bảo vệ dân phố do UBND phường, thị trấn chi trả; ngoài ra còn được trang bị đồng phục, đèn pin, gậy gỗ, được hỗ trợ mua BHXH tự nguyện.
Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, lực lượng CA xã bán chính quy gồm trưởng - phó CA xã, mỗi thôn, xóm có thêm một CA viên. Hiện nay, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, CA xã cũng đã có lực lượng chính quy.
Về cơ bản, quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cũng tương tự Nghị định số 38/2006/NĐ-CP: Cũng có tổ trưởng, tổ phó; do nhân dân đề nghị; CA cấp xã thẩm định, đề nghị danh sách; chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập; thẩm quyền cũng tương tự.
ĐB Lê Kim Toàn cho rằng, bản chất của việc này là áp dụng đại trà mô hình tổ bảo vệ dân phố trên tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn. Ngày xưa mỗi thôn có một CA viên, là bộ phận của CA xã; giờ thành lập hẳn một tổ, có cần thiết hay không? Đó là chưa kể, ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh đã có tiểu đội dân quân tập trung - lực lượng tham gia giữ gìn ANTT trên địa bàn, khi xuất hiện vấn đề phức tạp sẵn sàng cùng CA xã giải quyết rất kịp thời.
“Dù việc tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở theo dự thảo Luật là tự nguyện, không ảnh hưởng đến biên chế, nhưng chúng ta cũng phải xem xét kỹ lưỡng. Đã phát triển nghị định lên thành luật mới thì phải tổng kết, đánh giá xem các quy định trước đó có thuận lợi, khó khăn như thế nào, lấy ý kiến cụ thể về sự cần thiết, sau đó mới bàn tới nội dung điều chỉnh cụ thể”, ĐB Toàn nói.
Trước đó, nhiều ĐB cũng cho rằng, một số nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành. Dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Một số chính sách mới trong dự thảo Luật chưa được Chính phủ đánh giá một cách chi tiết, toàn diện, sát thực tiễn. Đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới ANTT, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; có nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; kinh phí, ngân sách bảo đảm nên cần xem xét thấu đáo hơn nữa.
NGUYỄN VĂN TRANG