Quốc hội thông qua dự thu ngân sách đạt 1,34 triệu tỷ đồng năm 2021
Với 446/448 đại biểu tán thành, đạt 92,35% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2021 là hơn 1,34 triệu tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỷ đồng, tương đương 3,7%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng, tương đương 0,3%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.
Theo đó, dự toán thu nội địa năm 2021 (không bao gồm thu từ đất, xổ số kiến thiết, từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi NHNN) là 882.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn.
Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2021 là hơn 1,34 triệu tỷ đồng. Ngân sách nhà nước vay khá lớn, tuy nhiên chưa vượt mức trần nợ công mà Quốc hội cho phép. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, một số nguồn thu lớn từ các sản phẩm đã ổn định, khó tăng trưởng cao như than, ô tô, bia, thuốc lá, thủy điện, chế biến dầu khí... Nếu loại trừ các nguồn thu ổn định này và các khoản thu đột biến phát sinh trong năm 2020 sang năm 2021 không còn thì các nguồn thu thuế, phí còn lại của năm 2021 đã dự kiến tăng 7,8% so với ước thực hiện năm 2020.
Đây là mức tăng thu phù hợp trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế và sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, việc bố trí dự toán chi thường xuyên năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương đã quán triệt yêu cầu triệt để tiết kiệm, gắn với tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Về vấn đề ngân sách nhà nước vay khá lớn, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã chạm trần 25% tổng thu ngân sách nhà nước của năm 2020 và dự kiến sẽ đạt cao hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước của năm 2021, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vay để sử dụng hiệu quả hơn.
“Việc chạm trần nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tính trên số thu ngân sách sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia, tuy nhiên, chưa vượt mức trần nợ công mà Quốc hội cho phép. Nguyên nhân của khả năng vượt ngưỡng có thể kể đến là: Tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2020, 2021 dự báo gặp nhiều khó khăn; Nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi tăng cao một số năm, chủ yếu do nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ phát hành trong giai đoạn trước đến hạn trả nợ” - ông Nguyễn Đức Hải nói.
Theo Lam Lê/VOV.VN