Ðảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá trong mùa mưa bão: Chủ động là trên hết
Tàu cá và ngư dân khi hoạt động trên biển luôn đối diện với nhiều nguy cơ, rủi ro. Ðể đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân, cần nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai, nhất là khi ngư dân hoạt động trên biển gặp bão, áp thấp nhiệt đới.
Chủ động và không được chủ quan
Hiện nay, các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh đều được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, hàng hải hiện đại. Bên cạnh đó, vệc theo dõi và hiểu đúng ý nghĩa cảnh báo của các bản tin bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) là một kỹ năng quan trọng.
Ngư dân kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên tàu để vươn khơi đảm bảo an toàn.
Ngư dân Ngô Nhật, ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ 93494-TS, chia sẻ: “Các bản tin về bão, ATNĐ được hệ thống Đài Thông tin Duyên hải thông báo liên tục để cảnh báo cho ngư dân chủ động phòng ngừa; nhưng có nhiều cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh nên tàu di chuyển không kịp sẽ nguy to. Như cơn bão số 9 vừa rồi có cường độ mạnh, di chuyển rất nhanh với tốc độ 25 km/h, tàu tôi kịp chạy vào đảo Dừa thuộc quần đảo Trường Sa trú tránh, vậy mà còn phập phồng lo sợ, rủi bề tàu gặp sự cố thì chẳng biết thế nào”.
Đến bây giờ mỗi lần nghe tin bão, ATNĐ là ngư dân Văn Công Việt, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91198-TS vẫn không khỏi giật mình vì lần thoát chết trên biển cách đây 15 năm. Ông Việt kể lại: “Lúc đó trời êm biển lặng, tàu tôi đang neo đậu tại khu vực đảo An Bang (quần đảo Trường Sa), song có một cơn ATNĐ hình thành rất gần nơi tàu tôi neo đậu. Nhìn lên bầu trời thấy xám xịt một màu, mây đen ùn ùn kéo tới rất nhanh, mở ICOM lên nghe Đài Thông tin Duyên hải báo tin ATNĐ, lập tức tôi mở máy tăng hết tốc lực cho tàu trốn khỏi vùng nguy hiểm. Hồi đó đi biển chỉ có máy ICOM để theo dõi thời tiết, chứ chưa có máy giám sát hành trình. Bây giờ có đầy đủ các thiết bị hiện đại, thông tin cập nhật thường xuyên, nên phải học làm chủ thiết bị, hiểu rõ thông báo”.
Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, gần đây do có thiết bị hiện đại, máy tàu khỏe hơn, một số không ít ngư dân ỷ vào kinh nghiệm đi biển, nên khi có bão, ATNĐ họ thường di chuyển tàu đến vùng rìa đuôi bão chờ sẵn. Khi cơn bão đi qua, họ bám sát ngay sau đuôi bão để đánh bắt thủy sản vì đây chính là lúc vùng có nhiều cá tập trung trong khu vực rất hẹp. Nhưng đây là cách làm cực kỳ mạo hiểm, bởi chỉ cần cơn bão, ATNĐ đổi chiều một chút thôi, tàu sẽ trốn chạy không kịp, hậu quả thảm khốc thế nào không nói ai cũng biết.
“Nghề biển bây giờ có nhiều thiết bị hiện đại trang bị trên tàu, tất cả thông tin dự báo thời tiết ngư dân đều nắm bắt, nhưng bản tin dự báo thường sớm từ 5 - 7 ngày, cũng chỉ mang tính cảnh báo. Ví như dự báo bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc mà đột ngột thay đổi hướng Tây Bắc mà tàu mình thoát ra sai hướng là bị nạn liền; có khi thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, nhưng sau đường đi của bão thường có gió mùa Tây Nam kèm lốc xoáy nguy hiểm không lường được. Do đó, không nên chủ quan, tính mạng là trên hết, phải cập nhật thông tin liên tục và chủ động sớm cho tàu di chuyển đến nơi trú tránh, chờ bão tan để đảm bảo an toàn”, ông Việt chia sẻ.
Cần nâng cao kỹ năng cho ngư dân
Ông Lương Ngọc Lũy, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, cho biết: “Hiện nay các bản tin về bão, ATNĐ được ngành chức năng dự báo rất sớm, thậm chí có cơn bão, áp thấp mới hình thành cách ngoài khơi Philippines 500 - 600 km hoặc bão hình thành ở 130 độ kinh Đông đã được phát tin dự báo. Các bản tin dự báo bão, ATNĐ đều phát kèm theo các khuyến cáo để ngành chức năng, người dân chủ động ứng phó. Đặc biệt, trong các tin báo bão, ATNĐ có nhận định vùng nguy hiểm trên biển từ 12 - 14 giờ tới, ngư dân cần phải chú ý theo dõi chi tiết này để chủ động cho tàu di chuyển trú tránh, nhằm đảm bảo an toàn”.
Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn trực canh 24/7 để phát tin cảnh báo bão, ATNĐ.
Chia sẻ quanh vấn đề này, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), khuyến cáo: Khi nhận được tin hoặc thấy có khả năng có bão thì tùy thuộc vào tình hình cụ thể, như vị trí, cường độ, hướng di chuyển của bão, ATNĐ, vị trí của tàu mà ngư dân kịp thời cho tàu thuyền di chuyển vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão. Phải thường xuyên giữ liên lạc với các đài trực canh ở bờ; thuyền viên trên tàu phải mặc áo phao trong quá trình di chuyển trú tránh bão... Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi trong trường hợp có tin bão khẩn cấp hoặc tin bão gần với tốc độ di chuyển trên 20 km/giờ.
Ngành Thủy sản sẽ tăng cường phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai cho ngư dân, nhưng điều quan trọng nhất là bà con phải chủ động phòng tránh khi có cảnh báo bão, ATNĐ của ngành chức năng.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN