Ươm mầm bài chòi học đường
Một số trường học, lớp thanh nhạc ở TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn và TX An Nhơn đã mở lớp, thành lập các đội hô, hát bài chòi, thu hút nhiều học sinh tham gia. Ðây là tín hiệu vui cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), bài chòi dân gian được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng dân cư và đặc biệt là ở trường học. Tiêu biểu là đội bài chòi trường Tiểu học và THCS Nhơn Châu. Thầy giáo Trần Huệ Thiện (giáo viên Âm nhạc của trường) là người dành nhiều tình cảm và công sức để tập hợp, hướng dẫn, truyền dạy bài chòi cho học sinh nơi đây.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú giảng dạy bài chòi cho thiếu nhi đang học lớp thanh nhạc tại Trung tâm phát triển năng khiếu Búp Sen Hồng (TX An Nhơn).
Thành lập năm 2018, đến nay đội bài chòi của trường Tiểu học và THCS Nhơn Châu thường xuyên góp mặt ở các hội thi, hội diễn bài chòi do xã, thành phố tổ chức. Thầy Trần Huệ Thiện cho biết: Trước đây, đội có từ 20 - 25 học sinh các khối lớp tham gia. Tuy nhiên, kết thúc năm học 2019 - 2020, có 5 học sinh khối lớp 9 lên lớp 10. Do đó, đội hiện còn 15 - 20 thành viên, sắp tới chúng tôi sẽ tìm cách bổ sung nhân tố mới.
“Đáng tự hào, các em trong đội bài chòi của trường tuy nhỏ tuổi nhưng hô câu thai mùi, làm hiệu rất duyên. Hoạt động của đội tuy còn nhiều khó khăn nhưng với niềm đam mê, trách nhiệm với nghề, tôi sẽ cố gắng để “truyền lửa” cho các em, với mong muốn lớn nhất là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”, thầy Thiện tâm tình.
Cuối tháng 10.2020, các em thiếu nhi đang học lớp thanh nhạc tại Trung tâm phát triển năng khiếu Búp Sen Hồng (phường Bình Định, TX An Nhơn) do cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Anh Thy mở dạy, đã có một tuần trải nghiệm bổ ích khi được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú (Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi huyện Tuy Phước) chỉ dẫn. Trong thời gian học tập, các em được tiếp cận kiến thức về lịch sử, nguồn gốc bài chòi; cách thể hiện 5 làn điệu lý: Xàng xê, Xuân nữ - Nam xuân, Hò quảng; các điệu lý, hò, vè, lía trong nghệ thuật bài chòi truyền thống của quê hương.
Nghệ nhân Nguyễn Phú chia sẻ: “Lời hô, câu hát của các em có thể chưa hay, chưa nhuyễn nhưng sự hồn nhiên, say mê của các em là niềm vui của những người trao truyền như tôi. Khi nghệ thuật bài chòi trở thành di sản, cùng với niềm vinh dự, tự tôi thấy trách nhiệm của những nghệ nhân như chúng tôi lớn hơn, mà điều đầu tiên tôi nghĩ đến là trao truyền cho lớp trẻ!”.
Với mục đích bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị của nghệ thuật bài chòi, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, cho biết đơn vị đã biên soạn và dạy làm hiệu, tổ chức hội chơi bằng hệ thống câu thai bài chòi với nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các hội thi, diễn xướng, hội đánh bài chòi dân gian cho các đội, CLB hô, hát bài chòi trong các trường học cũng được tổ chức hằng năm. Hiện nay, một vài trường học ở thành phố như: THCS Đống Đa, Ngô Mây… đã thành lập được các nhóm, đội bài chòi.
Có thể thấy, các đội, nhóm, CLB hát bài chòi ở trường học cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản bài chòi. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tránh nguy cơ nhầm lẫn về loại hình, nhạt phai bản sắc, chất cổ dân gian của di sản bài chòi, ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, cho rằng: “Việc đưa bài chòi vào trường học cần được tổ chức một cách toàn diện, nhất là có sự định hướng, hỗ trợ về chuyên môn để theo đó các trường, địa phương có cơ sở tổ chức, thực hiện”.
AN NHIÊN